Cao Bằng là một vùng đất có văn hóa có truyền thống hiếu học. Truyền thống đó là cơ sở là động lực để sự nghiệp giáo dục đi lên Trưởng thành Tạo ra nguồn nhân lực – những con người đủ đức đủ tài để xây dựng bảo vệ tổ quốc. Một trong những thành tựu nổi bật của ngành Giáo dục của những năm sáu mươi thế kỷ trước là việc mở
trường Toán Đặc Biệt khởi đầu là lớp Toán đặc biệt – Tiền thân của trường
Phổ thông trung học chuyên Cao Bằng. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trường phổ thông chuyên Cao Bằng từng bước vững vàng đi lên xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Là trung tâm đào tạo những con người mới vừa hồng vừa chuyên – những con người có chất lượng cao.
Năm 2016 – kỷ niệm 50 năm thành lập lớp Toán Đặc Biệt 1966 – 2016 Xin ghi lại những cột mốc chính những sự kiện những kỷ niệm nửa thế kỷ xây dựng trưởng thành của Trường Đặc Biệt – Trường Phổ thông Trung học chuyên tỉnh Cao Bằng.
Năm mở lớp
Toán Đặc Biệt khóa đầu: Đó là năm học 1965 – 1966 từ năm học 1964 - 1965 Bộ Giáo Dục cho mở lớp Toán Đặc Biệt đầu tiên tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên quốc gia). Năm học sau 1965 – 1966 Bộ Giáo Dục chỉ thị, chỉ đạo các tỉnh mở lớp Toán Đặc Biệt. Tỉnh Cao Bằng tiếp nhận chủ trương của Bộ và tổ chức triển khai ngay bằng việc cuối học kỳ một tổ chức thi tuyển học sinh từ 5 trường cấp 3 trong tỉnh khi đó các trường cấp 3 có 3 lớp: lớp 8 lớp 9 lớp 10 – tương đương với trường phổ thông trung học 3 lớp: lớp 10 lớp 11 lớp 12. Việc chấm thi xét tuyển và chuẩn bị cơ sở vật chất bao gồm chọn giáo viên, địa điểm mở lớp và cán bộ phục vụ kéo dài mãi tới tháng 4 năm 1966 chỉ còn một tháng nữa là niên khóa 1965 – 1966 kết thúc lớp Toán Đặc Biệt đầu tiên của tỉnh Cao Bằng mới chính thức được mở.
Chúng tôi, những học sinh khóa đầu có 14 người (thứ tự bắt đầu từ gần – Thị xã Cao Bằng đến xa – Trùng Khánh).
1. Phạm Văn Hòa - Thị xã Cao Bằng
2. Bùi Mạnh Kiên - Thị xã Cao Bằng
3. Trần Hùng - Thị xã Cao Bằng
4. Ngô Thị Phuợng – Hòa An
5. Huỳnh Ngọc Dung – Học sinh miền Nam tập kết –Hòa An
6. Nông Huy Đáo – quê Nguyên Bình ra Hòa An học
7. Nông Đức Tuấn - quê Nguyên Bình ra Hòa An học
8. Hoàng Duơng Qúy – Quảng Uyên
9. Phạm Thị Chi – Quảng Uyên
10. Hoàng Kham - Trùng Khánh ra Quảng Uyên học
11. Nông Thế Hùng – Hạ Lang ra Quảng Uyên học
12. Nguyễn Cảnh Toàn - Ở Thái Nguyên sơ tán về Trùng Khánh
13. Nông Văn Mến – Trùng Khánh
14. Nông Đình Đâu - Trùng Khánh
Đầu năm học 1966 - 1967 lớp có bổ sung thêm Bế Kim Dư. Cuối năm học Trần Hùng chuyển về thị xã. Như vậy thực tế theo học lớp toán đặc biệt trọn vẹn chỉ có 14 học sinh thay vì 15 học sinh.
Lớp Toán đặc biệt đầu tiên tập trung về Truờng cấp 3 Hòa An (lúc đó sơ tán tại Khau Gạm thuộc xã Đức Long - cách thị trấn Nuớc Hai khoảng 1 km). Học sinh nhờ nhà ông Lư, gần trường (đầu cầu Nà Coóc) học “gá” vào các lớp của trường cấp 3 Hòa An, lớp học do thầy giáo Nguyễn Khắc Hùng phụ trách và trực tiếp dạy môn toán. Kết thúc năm học chúng tôi đều được lên lớp 9.
Sau 3 tháng nghỉ hè chúng tôi trở lại, trường (lớp) thì không ở nhà ông Lư nữa mà đuợc chuyển vào sau quả đồi Khau Gạm vào khoảng 1 km gọi là Rỏong Sâu. Trong Roỏng Sâu chỉ có một nhà dân, sau này Rỏong Sâu được gọi là Hõm Sâu. Trong Roỏng Sâu một căn nhà nhỏ tranh, tre, nứa lá 4 gian đã được dựng sẵn vừa dùng làm chỗ ở cho 1 thầy giáo dạy toán chỗ ở cho 11 học sinh nam (3 học siuh nữ và Bá Lễ - cấp dưỡng ở nhờ nhà dân) 1 gian làm lớp học.
Bắt đầu học vào lớp 9 chúng tôi được học với thầy giáo mới là thầy Nguyễn Văn Lễ. Thầy Nguyễn Khắc Hùng Đã chuyển đến trường cấp 3 Nà Giàng (vì lí do sức khỏe). Thời đó các trường vẫn có “lệ” nghỉ mùa vào tháng 10, tháng 11 để giúp gia đình thu hoặch vụ mùa. Sau khi chúng tôi nghỉ mùa 2 tuần thì thầy Nguyễn Văn Lễ đã chuyển trường! Thầy giáo mới của chúng tôi là thầy Chu Mạnh Vân. Tháng 9/1967 có quyết định thành lập trường cấp 3 Đặc biệt do thầy Trịnh Khắc Sùng làm hiệu truởng, khu Roỏng Sâu dựng thêm một lớp học một nhà ký túc xá một nhà ở cho giáo viên chuẩn bị đón các thầy giáo mới và học sinh khóa hai. Các thầy giáo mới đến là: Thầy Dương Văn Khảm dạy Nga Văn thầy Đỗ Huy Quang dạy Văn thầy Phạm Văn Trình dạy Vật Lý Các bộ môn khác vẫn do các thầy cô trường cấp 3 Hòa An vào dạy.
Việc thi chọn học sinh cho khóa hai được thực hiện ngay đầu kỳ nghỉ hè. Thầy Chu Mạnh Vân thầy Phạm Văn Trình về các trường tổ chức thi viết – thi vấn đáp. Tôi đã dược các thầy cho đi cùng tuyển sinh ở trường cấp 3 Trùng Khánh - nơi có cô giáo Mỹ Anh nấu ăn rất ngon và đẹp nữa! Bởi vậy mà khóa hai được triệu tập vào đầu năm học kỳ II (năm học 1966 – 1967). Lớp có 15 học sinh, tôi chỉ còn nhớ một số gương mặt bạn bè: Lê Kim Tiên (thị xã Cao Bằng), Lãnh Thị Huyên (Bảo Lạc), Khoảng Thị Kứu (Hạ Lang), Hoàng Ngọc Bội (Trùng Khánh), Nông Văn Trường (Thông Nông), Nông Quốc Dũng, Trần Dũng (Hà Quảng), Vũ Long (Hòa An), Nông Văn Hiền (Quảng Uyên), Tô Hoàng Thàm (Hạ Lang)…
Khóa ba năm học 1967 - 1968 được chiêu sinh sớm hơn (ngay từ học kì I) - đây là lớp có số học sinh đông nhất. Tôi nhớ có: Vi Thu Thủy, Phạm Viết Thịnh, Phùng Kháng Hương, Mã Đông, Đặng Quốc Lâm (đều quê Quảng Uyên), Nông Đình Tuân (Hòa An), Triệu Sĩ Lầu (Trùng Khánh).
Như vậy đã đến năm học 1967 - 1968 Trường cấp 3 Đặc biệt Cao Bằng đã hoàn thành 3 lớp: 8 - 9 – 10. Giữa học kì II trường tổ chức một đợt đi khai thác nguyên vật liệu sửa sang mở rộng trường lớp ở Hõm. Không khí học tập lao động thật sôi nổi vui tươi. Kết thúc năm học các bạn ở lớp 8, lớp 9 được về nghỉ hè. Lớp 10 chúng tôi (lớp cuối cấp đầu tiên) ở lại trường ôn thi tốt nghiệp (thi chung tại trường cấp 3 Hào An). Thi xong chúng tôi về nghỉ hè. Đến tháng 9/1968 thì được gọi đi học Đại học. Năm người đi học Sư Phạm Việt Bắc (Quý - khoa Vật lý, Kham Hùng, Đâu, Chi - khoa Toán). Hai người đi học tổng hợp (Toàn – Toán, Dung - Vật Lý). Một người đi học Mỏ - Địa chất (Nông Đức Tuấn). Hai người học Cơ điện (Kiên, Mên). Bế Kim Dư sau đi bộ đội.
Thực tế là chúng tôi rời Hõm Sâu từ tháng 6/1968 mãi tới năm 2006 chúng tôi mới có dịp trở lại nơi chúng tôi đã học tập và trưởng thành với những kỉ niệm đẹp đẽ tươi nguyên của tuổi học trò, tuổi trẻ căng tràn sức sống. Bốn mươi năm trở lại khung cảnh đã đổi thay khá nhiều nhưng những dấu tích xưa thì không thể xóa mờ. Nền nhà cũ dựng lớp học, nhà ở đầu tiên, chiếc giếng nước trong xanh dưới bóng cây nhót sai quả, cả những bụi mai nơi gần bếp ăn…
Như vậy là chúng tôi những học sinh khóa đầu của Trường Đặc Biệt Cao Bằng được sống trọn vẹn 3 năm ở Khau Gạm – Hõm Sâu. Những năm sau đó (bắt đầu từ khóa bốn năm 1968 – 1969) chúng tôi đã ra trường không biết nhiều bạn bè các khóa sau, không biết nhiều về những hành trình, những thay đổi cũng như sự phát triển của trường, nhưng với tình cảm đặc biệt chúng tôi vẫn nhớ về ngôi trường xưa. Mỗi khi có dịp chúng tôi lại tìm kiếm tư liệu chuyện trò để hiểu về những giai đoạn phát triển sau này của trường. Xin chắp nối lại để liền mạch một cách hệ thống.
Khóa bốn (1968 – 1969) vẫn ở trong Hõm. Lớp 8 mới có một số học sinh: Vũ Khánh Trường, Vũ Phong, Hoàng Thị Bằng, La Thiết, Đinh Thị Nôm, Nông Văn Thắng, Phạt, An, Hiếu…
Khóa năm (1969 – 1970) trường chuyển từ Hõm sâu về Cao Bình, trường dựng trên nền cũ của trường cấp I Cao bình. Gồm có 3 lớp Đặc biệt (khóa ba, khóa bốn – tuyển thêm khóa năm) - Có một lớp 9 phổ thông từ Hòa An chuyển xuống và 2 lớp 8 mới tuyển. Khóa năm có các học sinh: Phạm Văn Bằng, Đỗ Trọng Triển, Bế thị Minh (Trà Lĩnh).
Khóa sáu (1970 – 1971) trường có 3 lớp đặc biệt (khóa bốn, khóa năm, khóa sáu), có 3 khối phổ thông (khối 8, 9, 10). Khóa này có các học sinh: Chu Chí Dũng, Phương Tiến Tân, Vũ khánh Xuân.
Khóa bảy (1971 – 1972) có 3 lớp đặc biệt, 3 khối phổ thông (8, 9, 10). Học sinh: Ma Thị Thương, Lưu Đức Danh (Nguyên bình).
Khóa tám (1972 – 1973) có số lớp học đặc biệt và khối phổ thông vẫn thế. Học sinh được nhớ đến là Bế Xuân Trường.
Khóa chín (1973 – 1974) vẫn như năm trước. Học sinh nổi bật: Hà Ngọc Chiến (Trà Lĩnh).
Khóa mười (974 – 1975) vẫn như năm học trước, tôi nhớ khóa này có Dương Quang Văn.
Các năm học sau (1975 – 1976; 1976 – 1977; 1977 - 1978) không tuyển học sinh lớp Đặc biệt nữa. Bởi vậy đến năm 1977, khi lớp 10 Đặc biệt (anh Dương Quang Văn) ra trường coi như không có học sinh lớp Đặc biệt nữa. Trường Đặc biệt Cao Bình trở lại thành trường phổ thông cấp 3 Cao Bình.
Đến năm học 1991 - 1992, Trường cấp 3 chuyển thành Trường phổ thông trung học. Tỉnh Cao Bằng lại tuyển học sinh Chuyên toán, khi đó “gá” vào trường Trung cấp Sư Phạm Cao Bằng (do thầy Trịnh Hữu Chất làm hiệu trưởng) đến năm học 1994 – 1995 có đủ ba lớp Toán chuyên (lớp 10, 11, 12) học tại trường Trung cấp Sư Phạm Cao Bằng.
Năm học 1994 - 1995 khối 3 lớp đặc biệt được chuyển sang trường Nội trú tỉnh (do thầy Đàm Đông làm hiệu trưởng). Năm đó có thêm Chuyên Văn, Chuyên Lý.
Đến năm 2001 trường chuyên Cao Bằng chuyển đến địa điểm mới – bắt đầu xây dựng khang trang hơn, to đẹp hơn tại đỉnh đồi Nà Lắc – Nà Chướng, với quyết định thành lập trường Trung học phổ thông chuyên tỉnh Cao Bằng.
Đôi điều ghi lại về mái trường thân yêu của chúng ta,
trường cấp 3 đặc biệt – Trường trung học phổ thông chuyên tỉnh Cao Bằng. Cũng chỉ là nhớ và ghi lại những dấu ấn đẹp, những kỉ niệm đẹp. Chưa thể đầy đủ, mong các bạn viết tiếp bổ sung (cung cấp ảnh, bài viết, danh sách học sinh đầy đủ khóa mình) cho đầy đặn, sinh động và chính xác những trang văn – trang đời. Về những năm tháng sống đẹp, nhũng năm tháng không bao giờ quên.
Cao Bằng tháng 8 năm 2015
Hoàng Dương Quý
(Học sinh khóa một)