Tôi sinh ra ở xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, nơi có thác Bản Giốc kỳ vĩ. Khuổi Ky là một xóm nhỏ trong hõm núi, phía trước có dòng suối xanh liền với con đường mòn dẫn từ đường cái đến động Ngườm Ngao - một hang động đẹp, cuốn hút du khách đến thăm từ thời Tây. Hiện nay, xóm tôi được Sở văn hóa – Thể Thao và du lịch Cao Bằng chọn đầu tư, tu bổ trở thành làng truyền thống dân tộc Tày.
Hồi nhỏ học cấp 1, đi học tôi phải lội qua con suối, men theo bờ ruộng, bờ mương đến trường cách nhà hơn một ki-lô-mét. Khi lên học cấp 2, ở xã chưa có trường cấp 2 nên phải lên xã Chí Viễn học ở trường cấp 2 Pò Tấu. Đi bộ từ chiều chủ nhật ở kí túc của trường, đến chiều thứ bảy lại về để lấy gạo, ngô, khoai, rau,… đủ cho một tuần ăn học. Lúc đó tôi mới 12 - 13 tuổi, gánh số lương thực và thực phẩm của một tuần, đi bộ 12 km là một việc nặng nhọc.
Tôi là một học sinh khá giỏi từ lớp 1 đến lớp 7 trong hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Gia đình tôi có năm chị em, chị lớn đi lấy chồng, anh đi bộ đội, hai em còn nhỏ, mẹ tôi không may bị bỏng cả hai mắt trong vòng hai năm và chịu cảnh mù lòa từ năm 1957, lúc đó mẹ tôi mới được 38 tuổi. Mẹ tôi khi còn sáng mắt làm việc rất chăm chỉ, lại có ý thức thương trường rất sớm. Mỗi phiên chợ (Bản Rã – xã Đàm Thủy, Trùng Khánh) mẹ tôi làm hai gánh hàng (đậu phụ, bánh đúc, rượu, men rượu, bánh ngọt…) lên chợ bán, chiều về mua các thức ăn ngon, quà bánh cho chúng tôi có được cuộc sống đầy đủ hơn những người hàng xóm. Sau khi mẹ tôi mất sức lao động, ở xóm bắt đầu thành lập hợp tác xã nông nghiệp nghiệp, nhà tôi chỉ có một lao động chính là bố tôi. Mùa thu hoạch lúa, ngô được chia theo tỉ lệ cộng điểm, người ta có nhiều lao động lấy lồ, dậu gánh về, còn bố tôi lấy thúng đựng ngô, thóc cắp nách về nhà. Thời kỳ tôi đang học cấp 2 Pò Tấu, đồng ruộng bị vàng lụi, mất mùa liên tục nên mất ăn thường xuyên. Những kỳ nghỉ hè, tôi mày mò đan cót phơi thóc. Bố tôi lên rừng ông thông gia ở làng trên xin vầu về làm nan cót, tôi đan xong bố tôi gánh sang chợ Trung Quốc bán lấy tiền mua lương thực, quần áo, tư trang cho tôi và hai em.
Học hết cấp 2, tôi làm hồ sơ xin đi trung cấp chuyên nghiệp vì gia đình quá khó khăn về kinh tế, nhưng không được đi. Các bạn cùng trọ ở ký túc cấp 2 đều được đi học chuyên nghiệp cả còn một mình tôi phải lên thị trấn Trùng Khánh để học cấp 3. Khi đó gia đình tôi càng ngày càng túng thiếu, khó khăn. Bố tôi phải tìm đào củ mài, chạy vạy cái ăn khắp nơi, nhận lương thực cứu đói là bột ngô ẩm mốc từ địa phương khác chuyển đến. Tôi lại lấy già nửa số bột đó mang lên ký túc của trường để ăn cho một tuần học. Cái đói cồn cào thường xuyên cả tuần. Trưa thứ bẩy, học xong tiết cuối, tôi thường xin phép không sinh hoạt lớp để về trước. Đi bộ về nhà 25 km trong lúc bụng đói, đến bây giờ vẫn chưa quên.
Sắp hết học kỳ 1 của lớp 8, chú tôi làm việc ở Phòng Giáo dục bảo với tôi: Hiện nay Phòng Giáo dục cần tuyển học sinh tốt nghiệp cấp 2 đi làm giáo viên cấp 1 cấp tốc, chỉ tập huấn 1 - 2 tuần là đi dạy. Tôi vẫn tiếc học, nhưng biết không còn khả năng để tiếp tục ăn học nữa, đành phải sang ngang thôi. Một buổi chiều tôi lên phòng thầy hiệu trưởng xin lại học bạ để làm hồ sơ đi làm giáo viên cấp tốc. Thầy đã nói với tôi: Em đã thi được vào học lớp Toán đặc biệt, trường ta được 3 người, sang học kỳ 2 sẽ đi, Nhà nước cung cấp tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm và học bổng toàn phần như học sinh chuyên nghiệp. Tôi mừng lắm, thôi không xin làm giáo viên cấp tốc nữa. Mãi đến tháng 4 năm 1966 tôi mới nhận được giấy triệu tập đi học lớp toán đặc biệt. Hôm đó toàn trường tập trung ở sân trường, thầy hiệu trưởng công bố những học sinh được đi học lớp Toán đặc biệt của tỉnh gồm: Nông Văn Mến, Nông Đình Đâu và Nguyễn Cảnh Toàn (người Nghệ An lên sơ tán ở quê ngoại Lăng Hiếu – Trùng Khánh). Chúng tôi rất vui mừng và rất là vinh dự.
Thế là đời học sinh của tôi được chuyển sang trang mới. Một lớp học gồm 14 học sinh là những học sinh khá giỏi về môn toán và cả các môn khác đến từ các trường cấp 3 trong tỉnh. Chúng tôi sống hòa nhập với nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng học ngày 3 buổi rất nghiêm túc.
Mặc dù đã có tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm cùng với học bổng 9,6 đồng, gia đình cấp thêm 6 đồng thành mức ăn 15 đồng một tháng, nhưng vì đang tuổi ăn, tuổi ngủ nên chúng tôi lúc nào cũng thấy đói. “Bụng đói, đầu gối bò”, chúng tôi những người ở xa nhà, thứ bẩy, chủ nhật không về nhà được đã rủ nhau vào rừng lấy củi về bán cho mấy bà làm đậu phụ ở phố Nước Hai. Đi lên dốc, xuống dốc đường rừng 3 – 4 km mới lấy được một gánh củi, chờ tối mới gánh đi bán. Bán được một gánh 2 đồng rồi rẽ vào cửa hàng ăn uống “xóa đói” mất 1 đồng. Cứ thế, chúng tôi cùng nhau được học hết cấp 3.
Cũng nhờ được học ở lớp toán đặc biệt mà tôi đã được học lên Đại học, sự tình như thế này:
Trong thời gian tôi học ở cấp 3 đặc biệt Roỏng Xâu, Nước Hai, chú rể của tôi là Phó ban Ban tổ chức chính quyền tỉnh Cao Bằng, cũng sơ tán ở gần trường tôi, cách khoảng 3 km. Thỉnh thoảng tôi sang chơi với chú, được chú động viên, khích lệ. Đến khi học xong lớp 10, làm hồ sơ đi Đại học (lứa tuổi chúng tôi chưa tổ chức thi vào trường Đại học, ai được tốt nghiệp thì vào thẳng Đại học, chưa tốt nghiệp thì phải qua lớp dự bị một năm). Chú tôi trước làm cán bộ Phòng Giáo dục nay làm hiệu trưởng cấp 2 ở xã tôi, đã sốt sắng làm các thủ tục hồ sơ đề nghị cho tôi được đi học nước ngoài. Thế nhưng đến khi các trường Đại học gọi tôi mới được chú rể cho biết: Tôi không được đi Đại học, tôi buồn lắm. Nhưng chú lại nói tiếp: Dượng và chú Cao Điền trưởng ban bàn với nhau: cháu Đâu là học sinh giỏi, đã được nhà nước nuôi ăn học 3 năm, nếu không cho đi đào tạo thì lãng phí nhân tài cho tương lai, huyện không cho đi nhưng tỉnh cho đi. Hai chú sắp xếp cho cháu vào trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Tôi thở phào nhẹ nhõm, mặc dù không đúng nguyện vọng, nhưng đó là may mắn của đời tôi.
Như vậy, nhờ được vào Lớp toán đặc biệt, tôi đã vượt qua được hai bậc học quan trọng của cuộc đời.
Cao Bằng, tháng 10 năm 2011
NÔNG ĐÌNH ĐÂU
(Học sinh khóa một)