Được trở lại Cao Bằng, thăm lại mảnh đất mà tuổi thanh xuân của mình đã từng gắn bó, tôi vô cùng xúc động. Xúc động vì thấy thành phố Cao Bằng to đẹp, hiện đại, xúc động vì thấy trường Chuyên bề thế, xứng đáng với tầm vóc một trường Chuẩn Quốc gia. Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm truyền thống các lớp chuyên và 15 năm thành lập trường THPT Chuyên Cao Bằng, tôi muốn được bày tỏ những suy nghĩ của mình về truyền thống đào tạo nhân tài ở tỉnh Cao Bằng nói chung và về trường THPT Chuyên Cao Bằng nói riêng. Sau một nửa thế kỷ, tôi nhận thấy truyền thống đào tạo nhân tài ở một tỉnh miền núi như Cao Bằng đã sớm được quan tâm và đầu tư hiệu quả.
Một là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng đã có tầm nhìn chiến lược rất sáng suốt, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Cao Bằng, không chỉ truyền thống Cách mạng mà còn truyền thống gây dựng, đào tạo nhân tài. Vào những năm 1966, 1967, khi cả nước phải đi sơ tán để bảo toàn lực lượng và để chi viện hiệu quả cho miền Nam đánh Mỹ, cuộc sống vô cùng khó khăn, Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng vẫn cho thành lập trường đào tạo Chuyên Toán, gọi là trường cấp 3 Đặc Biệt. Cũng khi đó, ở miền xuôi, từ trường Đại học Tổng hợp, ĐHSP, đến một số tỉnh chỉ có các lớp Toán Đặc biệt, không đâu lập trường riêng như Cao Bằng. Và với tầm nhìn chiến lược đó, Cao Bằng đã có một đội ngũ thầy-trò thành đạt trên nhiều lĩnh vực.
Ở Hà Nội chúng tôi có lập Hội Cựu Thầy - Trò trường cấp 3 Đặc Biệt Cao Bình. Hàng năm chúng tôi đều họp mặt, số lượng không đông, nhưng trong Hội đã có 3 Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, như anh Bế Xuân Trường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; anh Hà Ngọc Chiến, Uỷ viên Trung ương đảng, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; chị Nguyễn Thị Nương, Tiến sĩ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XI.
Chúng tôi có 1 Giám đốc trong Tập đoàn dầu khí Việt Nam là anh Vũ Khánh Trường. Anh đã hỗ trợ cho Giáo dục Cao Bằng 10 tỉ đồng để xây trường Nội trú ở Hà Quảng và 5 tỉ đồng, hỗ trợ cho Trường THPT Cao Bình, nơi gần 50 năm trước anh học ở đó; có 2 Viện trưởng thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Văn Phách, Tiến sĩ Vũ Khánh Xuân, có 3 Phó Giáo sư, 9 Tiến sĩ, nhiều giảng viên dạy ở các trường đại học, công tác ở Viện khoa học, nhiều lãnh đạo cấp Tỉnh, cấp Bộ, Vụ, Viện, nhiều nhà văn, nhà báo,... Hội của chúng tôi mới chỉ tập hợp từ khóa 1 đến khóa 9 của trường Cấp 3 Đặc biệt Cao Bình, mà số lượng nhân tài đóng góp cho đất nước, cho Tỉnh đã như vậy. Hội chúng tôi dự định sẽ mở rộng các khoá chuyên sau này để dần sẽ có một báo cáo đầy đủ hơn về nhân tài của Cao Bằng. Chúng tôi thấy tiềm năng học giỏi của thế hệ trẻ Cao Bằng rất lớn. Nếu chúng ta có chiến lược đào tạo tốt như truyền thống 50 năm các lớp Chuyên và 15 năm trường Chuyên đang phấn đấu thì nhất định tài năng của Cao Bằng sẽ chói sáng.
Điều thứ hai tôi muốn khẳng định là truyền thống dạy giỏi, học giỏi của Trường cấp 3 Đặc Biệt Cao Bình xưa và trường THPT Chuyên hôm nay. Đây là lực lượng để hiện thực hóa chủ trương, quyết sách về đào tạo nhân tài của Tỉnh. Chúng tôi là những người được chứng kiến chặng đường 50 năm, từ những ngày lập lớp, lập Trường cấp 3 Đặc Biệt, chúng tôi vô cùng tự hào. Ban đầu đào tạo Chuyên Toán chỉ như một đốm lửa nhỏ le lói trong khu đồi sơ tán bạt ngàn sim mua ở Khau Gạm, Hòa An, ít ai biết đến. Hôm nay nhà trường đã tạo dựng được một cơ ngơi khang trang với đội ngũ giáo viên đông đảo giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề, nhà trường cũng đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh thành đạt, xứng đáng là lá cờ đầu trong ngành giáo dục tỉnh nhà.
Nhớ lại lịch sử phát triển của trường mà bản thân tôi may mắn được làm Hiệu trưởng một thời, tôi muốn gửi lời biết ơn sâu sắc đến các bậc phụ huynh, lãnh đạo các xã trên địa bàn của trường nơi tôi đã từng công tác. Tôi muốn nhắc đến công lao to lớn của các thầy - cô giáo đã từ miền xuôi lên Cao Bằng công tác. Các thầy cô đã hết lòng vì học sinh, có khi không nghỉ hè, không về Tết để tham gia cùng học sinh lao động: làm ngói, cắt cỏ tranh, tu sửa trường,... Đến nay, một số thầy giáo đã về cõi vĩnh hằng, trong đó có thầy Trịnh Khắc Sùng - người hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp 3 Đặc Biệt.
Tạm dứt với quá khứ để trở về với hiện tại, nhìn cảnh quan trường Chuyên hiện nay, được gặp các thầy cô giáo, các em học sinh thế hệ trẻ, tất cả đều phơi phới niềm vui, sức trẻ và sự sáng láng của trí tuệ. Được nghe báo cáo thành tích dạy giỏi, học giỏi của trường trong những năm gần đây. Được biết kế hoạch của Tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư cho trường Chuyên về mọi mặt, chúng tôi rất mừng và tin tưởng rằng chiến lược đào tạo nhân tài của tỉnh Cao Bằng chắc chắn sẽ đem lại cho tỉnh nhà những thành quả to lớn.
Chúc trường THPT Chuyên Cao Bằng đang hiện thực hóa những quyết sách và chiến lược đào tạo nhân tài của tỉnh sẽ gặt hái được nhiều thành công rực rỡ hơn nữa.
Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2016
PGS.TS.NGƯT Đỗ Huy Quang
Nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 3 Đặc biệt Cao Bình