"Hõm sâu" Phổ thông cấp ba đặc biệt - Niềm tự hào của một thời (1966 - 1970)

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ giáo dục đã xây dựng các lớp "Toán Đặc biệt" (Sau này gọi là Phổ thông Chuyên Toán) tại trường Đại học Tổng hợp từ 1964 - 1965, sau đó các lớp Toán Đặc biệt đã được triển khai ở các địa phương. Năm học 1965 - 1966, Ty Giáo dục Cao Bằng đã tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp Toán Đặc biệt từ các học sinh khá ở các lớp 8 phổ thông của 5 trường cấp 3 và sau khi làm các thủ tục xin tiêu chuẩn, chế độ... tháng 4/1966 lớp Toán Đặc biệt đầu tiên đã được triệu tập với 15 học sinh và gửi tại trường phổ thông cấp 3 Hòa An do thầy Nguyễn Khắc Hùng quê Hà Nội phụ trách. Lúc này Hòa An là nơi trung tâm hành chính của tỉnh, các cơ quan đầu não đều sơ tán quanh thị trấn Nước Hai. Trường phổ thông cấp 3 Hòa An trở thành một đơn vị lớn vì phải thu hút thêm số học sinh của thị xã theo gia đình đi sơ tán (tuy vậy lúc này trường chỉ có 1 lớp 10, 2 lớp 9 và 3 lớp 8, sau thêm lớp Toán Đặc Biệt). Xin nói thêm: Thị xã sơ tán đến quanh thị trấn Nước Hai, trường phổ thông cấp 3 Hòa An đang đón đại điểm tại "Bản Vạn" cách thị trấn Nước Hai trên 1km cũng đi sơ tán đến ven đường tỉnh lộ Nước Hai - Nà Giàng cách thị trấn khoảng 2km. Mọi người, mọi đơn vị đều phải đi sơ tán!? Chắc là để đảm bảo ý thức cảnh giác và nêu cao tinh thần kháng chiếm của toàn dân.
      Tháng 10/1966, tôi được Ty Giáo dục Cao Bằng điều về trường phổ thông cấp 3 Hòa An để chuẩn bị việc đảm nhiệm lớp 8 Đặc biệt mới tuyển (Do một số lý do nên tôi phải đảm nhiệm luôn lớp 9 Đặc biệt). Chia tay mái trường Nà Giàng thân thương, chia tay dòng suối nhỏ thơ mộng với những cây cầu, cọn nước để đến một "Hõm sâu" sau quả đồi "Khau Gạm" thuộc phía nam xã Đức Long - Hòa An nơi đặt địa điểm học tập sinh hoạt của lớp Toán Đặc biệt.
      Thầy và trò lớp "Toán Đặc biệt" chúng tôi ở cùng nhau trong một mái nhà tranh 4 gian nhỏ. Gian cuối là lớp học với bộ bàn ghế học sinh đủ dùng cho 15 lãnh đạo tỉnh đối với công việc đào tạo và bồi dưỡng các em học sinh dân tộc Cao Bằng.
      Để đảm bảo không khí học tập, kích thích tinh thần học Toán của học sinh, tôi đã tận dụng năng khiếu của từng em để trang trí lớp học nhỏ bé cho có “chất Toán” của lớp “Toán Đặc biệt” này. Mấy hình ảnh các nhà toán học thế giới: Pascal, Ácimet, Ơclis, Lôbasepsky, Côvalescaia... đã được bàn tay tài hoa bẩm sinh của em Nông Đình Đâu quê Đàm Thủy Trùng Khánh (sau này học khoa Toán ĐHSP Việt Bắc) họa lại từ quyển sách “Lịch sử Toán học” của tôi, khung ảnh là việc đẽo gọt, cắt, chuốt vài đoạn tre già của em Nông Văn Đáo quê Bản Um, Tam kim – Nguyên Bình sau đi du học tại Liên Xô, Giám đốc Sở Công nghiệp Cao Bằng. Tám tấm ảnh đã được treo trên bờ tường của lớp học nhỏ bé, đơn giản nhưng trang trọng và có khí thế. Ngoài việc hướng dẫn các em trên lớp, quản lí việc tự học lúc giải lao tôi lại cùng các em chơi các trò chơi Toán học để rèn luyện thêm khả năng tư duy linh hoạt của từng học sinh. Năm học 1966 - 1967 tôi biên chế thuộc trường cấp 3 Hòa An, được phân công quản lý lớp 9 Đặc biệt và dạy Toán lớp 10 phổ thông của trường, các anh chị em cùng công tác có: Hiệu trưởng Hoàng Đoàn dạy Vật lý, quê Nà Mỏ - Đức Long – Hòa An sau này là Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng. Các giáo viên: Dạy văn - Nguyễn Đăng Thìn nhà Hà Nội, Tính cách chu đáo, sau này là Vụ phó Vụ THPT Bộ GD-ĐT. Trần Duy Trung quê Đại Phạm - Hạ Hòa - Phú Thọ xốc nổi, đã sớm qua đời do bị tai nạn giao thông. Phùng Quang Vinh quê Ba Vì Hà Tây anh bạn cùng lớp với tôi hồi học tại Sơn Tây, đạo mạo theo phong cách nho giáo sau này là hiệu trưởng THPT Ngô Quyền Hà Tây, mấy năm qua hay làm thơ gửi đăng báo Cao Bằng. Dạy Sử có Dương Trọng Dong quê Phú Thọ, có em gái Dương Thị Vân dạy Địa lý (sau lấy đồng chí Thìn). Dạy Toán có Đỗ Đình Thân quê phố Tây Sơn - Hà Nội, một cán bộ Công đoàn luôn luôn tận tụy với tiêu chuẩn tem phiếu, sổ mua hàng của tập thể. Sau thêm Đặng Khoa quê Ứng Hòa – Hà Tây một con người nhiều tài lắm tật và Dương Thụy Anh quê Hạ Hồi - Thường Tín - Hà Tây sau là hiệu phó THPT Thường Tín. Dạy Hóa học có Nguyễn Đức Quang quê Thái Bình sau công tác tại Sở GD-ĐT Thái Bình, Trần Hoàng quê Hưng Yên, anh bạn lùn nhỏ nhưng nhảy sào rất giỏi, sau này công tác tại sở GD-ĐT Hưng yên. Dạy sinh có Lê Tùy (đã nói ở trên) Bùi Thiệu Nguyên quê Lạng Sơn có tài kẻ vẽ, tính cách cầu kỳ chu đáo, NGUT Giáo viên trường chuyên Chu Văn An Lạng Sơn đã sớm qua đời do bị bệnh nặng. Dạy Nga văn có Phạm Duy Hoành quê Quảng Bình. Dạy Chính trị có: Triệu Xuân Long quê Quảng Uyên Cao Bằng. Dạy TDTT có Đoàn Đức Minh quê Ninh Bình, Một tập thể trẻ nhiệt tình, tháo vát và xốc nổi , nhiều lần đã có cuộc tranh luận gắt gao với hiệu trưởng và giáo viên mà lý do chỉ là những chuyện không đâu?! Tôi ít khi được tham gia các cuộc “khẩu chiến” này vì cơ bản là sinh hoạt ở khu đồi sau, Cũng tiếc!
      Khóa học lớp 10 (1967 - 1968) của cấp 3 Hòa An do đồng chí Trần Duy Trung chủ nhiệm, tôi dạy Toán các em đều chịu khó và học khá đều tay, cuối năm học có 5 học sinh được cử đi học tại Cu Ba (2), Triều Tiên (1), và Hunggary (2), Trong số học sinh cũ này có nhiều em trưởng thành trở thành nhà lãnh đạo Sở ban ngành của tỉnh, điển hình có Nguyễn Thị An sau vài năm làm giáo viên Vật lý chuyển về Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, và đã từng là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, phó chủ tịch UBND tỉnh, thường vụ Tỉnh ủy trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Phổ thông cấp 3 Hòa An, nơi tôi chỉ dừng chân để chuẩn bị cho những năm sau, nhưng dù sao thì tôi cũng đã bỏ công sức của mình cho sự phát triển của trường.
Năm học 1967 - 1978 đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của hệ thống chuyên Toán. Tháng 9/1967 có quyết đinh thành lập trường Phổ thông cấp 3 đặc biệt Cao Bằng, trường có trách nhiệm đào tạo các học sinh các dân tộc Cao Bằng đủ trình độ đủ năng lực để có thể tiếp tục được đào tạo ở các bậc học cao hơn. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt thời kỳ chống Mỹ, đây là một chủ trương mạnh của tỉnh để chuẩn bị một lực lượng cán bộ mới có năng lực trong tương lai.
      Ngày thành lập trường, ban đầu biên chế chỉ có 5 giáo viên, hai bà cấp dưỡng và học sinh của hai lớp 9,10 (học sinh lớp 8 chưa tập trung). Giáo viên có: Hiệu trưởng Trịnh Khắc Sùng quê Phú Thọ, dạy toán, một con người sống chan hòa, chu đáo với anh em nhưng lại rất nghiêm khắc trong gia đình. Sau này anh Sùng là Phó Ty Giáo Dục Cao Bằng. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phú (đã mất do bệnh nặng). Dương Văn Khảm dạy Nga văn đã điều từ Nà Giàng. Đỗ Huy Quang quê Dục Tú - Đông Anh - Hà Nội. Tốt nghiệp Văn 4, đến nhập trường kèm theo cây đàn Viôlông, sau này còn hướng dẫn học sinh nữ cả thêu ren!? Lắm tài lẻ! Sau này là PGS - Tiến sĩ NGƯT, Chủ nhiệm khoa Văn trường ĐHSPHN 2. Phạm Văn Trình quê Hưng Yên, tốt nghiệp Lý 4 - nhiệt tình trong chuyên môn, sau công tác tại CĐSP Hải Dương. Và tôi đã được điều đến chuẩn bị từ năm trước. Số giáo viên khác do trường cấp 3 Hòa An hỗ trợ. Tuy vậy, tôi, Quang, Trình đều có giờ dạy ở các trường phổ thông Hòa An. Do vậy nên hai đơn vị dùng chung một thời khóa biểu và tôi lại phải làm nhiệm vụ phân bố giờ dạy. Cái khó là giờ ra vào lớp của hai đơn vị khác nhau và hai đơn vị lại cách nhau một quả đồi nhỏ. Nói chung là tôi vẫn xếp lịch một cách hợp lý.
      Trường phổ thông cấp 3 Đặc biệt được đặt tại địa điểm ban đầu của lớp chuyên Toán đã xây nền móng. Tại một hẻm sâu sau quả đồi Khau Gạm (thầy trò chúng tôi thường gọi là "hõm") ở đây đã có một đơn vị tập thể. Thầy và trò sinh hoạt như một gia đình lớn và cách ly với thế giới bên ngoài vì ngại vượt đồi leo dốc. Ra ngoài chỉ có tôi, Quang, Trình có giờ dạy ở cấp 3 Hòa An, bà cấp dưỡng đi mua rau ở chợ Dã Hương và cháu Hòa con lớn của anh Sùng đi học lớp 1 ở Bằng Hà. Học tập, tự học và sinh hoạt đã choán hết thời gian. Học sinh các lớp này từ ngày đầu hình thành đến khi phát triển đều được hưởng thụ các tiêu chuẩn của nhà nước như đã nói ở trên nên rất an tâm học tập và rèn luyện.
      Phần công tác của tôi ở đơn vị mới và sơ bộ kết quả của các em:
      Năm học 1967 - 1968 phụ trách Toán 10 Đặc biệt. Giúp cấp 3 Hòa An dạy Toán 10. Cuối năm học cả 2 lớp có 8 học sinh có đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài: Liên Xô (6), Rumani (1), CHDC Đức (1).
      - Năm học 1968 - 1969 phụ trách Toán 10 Đặc biệt, dạy toán 8 Đặc biệt (năm học này tôi không phải giúp cấp 3 Hòa An). Lớp 10 Đặc biệt có 15 học sinh (10 nam và 5 nữ). Kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 đạt 15/15 điểm 5 toán và 10/15 vật lý. Cuối năm có 9 em đi học nước ngoài: Liên Xô 5, Tiệp Khắc 3, Ba Lan 1.
      - Năm học 1969 - 1970 trường được di chuyển về Cao Bình và tuyển thêm các lớp phổ thông của Nam Hòa An (có 1 lớp 9 của cấp 3 Hòa An và tuyển thêm 2 lớp 8). Việc di chuyển nhà cửa, bàn ghế và các cơ sở vật chất khác đuợc thực hiện bằng hai cách: Chở mảng gỗ xuôi sông Bằng do đồng chí Bùi Thiệu Nguyên phụ trách và bằng xe ngựa đường bộ do tôi điều hành. Học sinh cấp 3 Hòa An đuợc anh Hoàng Đoàn huy động giúp chuyển từ Hõm ra bến sông hoặc tập kết ngoài đuờng cái. Tại Cao Bình anh Trịnh Khắc Sùng cùng các đồng chí giáo viên cũ, mới: Triệu Đoan dạy Nga văn, Quang, Trình và thêm các bạn mới ra truờng:  Tạ Tuấn dạy Văn quê Gia Lâm, Nguyễn Bá Ái dạy Địa sau xin về Quảng Ninh, Nguyễn Thế Thận dạy Hóa quê Nghệ An và anh Nay Thông dạy Sử quê Đắc Lắc điều đến từ Nguyên Bình đã điều hành việc tập kết, phân loại và huy động phụ huynh học sinh địa phương để dựng lại nhà cửa, tu sửa cơ sở vật chất cũ (trước là trường cấp 1, thời sơ tán là kho muối của thực phẩm) với sức người huy động hợp lý, trong một thời gian ngắn chúng tôi đã có đủ cơ sở vật chất để có thể khai giảng tại địa điểm mới đúng quy định.
      Năm học này tôi phụ trách toán 8 Đặc biệt, giảng dạy toán 10 đặc biệt và toán 8 phổ thông. Đồng chí Đỗ Huy Quang chủ nhiệm lớp toán 10 Đặc biệt, lớp có 27 học sinh. Cuối năm có 8 em đuợc đi du học nuớc ngoài: Liên Xô (5), Rumani (1), Hunggari (1). Lớp 8A (Đặc biệt) do tôi phụ trách có một năm sau này có em Phạm Hiến Bằng là tiến sĩ toán, hiệu phó trường ĐHSP Thái Nguyên.
      Bốn năm học 1966 - 1970, tôi đã giúp cấp 3 Hòa An 2 khóa lớp 10 (1967 và 1968) và 3 khóa toán 10 đặc biệt (1968, 1969, 1970) và đã để lại nhiều kỷ niệm và những mốc trưởng thành của cá nhân, tôi đã giúp phần vào những thành tích chung của đơn vị. Tuy kết quả giảng dạy của từng năm học và kết quả của từng học sinh tại thời điểm đó chưa thấy rõ nét, những sự vươn lên sau này của vài thế hệ học sinh ban đầu đã thể hiện phần nào của những năm đã được rèn luyện tại trường “Phổ thông cấp ba đặc biệt” này! Dù thời gian đã trôi qua trên 30 năm nhưng những gì thầy trò Phổ thông cấp ba đặc biệt làm luôn luôn được chúng tôi trân trọng và gìn giữ.
      Trong giảng dạy và học tập thầy trò chúng tôi coi đó là nhiệm vụ chính của mỗi người khi chúng tôi đã được chọn để “dạy và học” ở mái trường này. Chúng tôi luôn luôn quan tâm đến từng kết quả hàng ngày của các em, suy nghĩ để khai thác các sáng tạo của các em ngay cả ở trên các quyển vở nháp, và áy náy đối với các sai sót nhỏ của học sinh khi làm bài và coi cái đó như là lỗi của chính mình.Các thầy giáo đều hết lòng vì học sinh và có đồng chí yêu cầu quá cao, quá sức và không phù hợp với thời gian, cường độ, đặc điểm của học sinh, anh em lo cho bộ môn của mình mà! Cũng hơi “cá nhân” một chút. Cái cá nhân này có thể thông cảm được! Tôi lại phải làm nhiệm vụ điều tiết thời gian tự học của các em và nhường nhịn “anh bạn” “tham lam” vì tôi quản lý việc tự học của các em và đối với riêng môn Toán tôi rất tin vào kiến thức mà các em đã tiếp thu được. Thi tốt nghiệp chắc chắn là khá trở lên. Các kiến thức cơ bản đã được chúng tôi quan tâm một cách đúng mức và trên cơ sở đó chúng tôi đã khai thác, đào sâu và nâng cao trong các nội dung cụ thể nên các em đều vững tin vào khả năng của chính mình khi thử sức bằng các kỳ thi tốt nghiệp hay thi kiểm tra trước khi đi du học nước ngoài.
      Trong lao động chúng tôi lao động hết mình, rất tự giác và đã góp công sức, mồ hôi của từng người để tôn tạo nên nơi ăn chốn ở tuy còn đơn sơ, giản dị nhưng đàng hoàng. Thầy và trò đã tự san đồi để tạo một mặt bằng làm nền lớp học và khu nhà ở. Trong “Hõm” đã có vài ngôi nhà cột gỗ lợp ngói bổ sung cho những ngôi nhà lợp tranh cũ. Ngay từ hè năm học đầu tiên (1967) học sinh khóa đầu đã tự tìm mỏ nước ven đồi, tự đào móng lớp học cũ để nhặt từng viên gạch còn tốt từ trường cấp 3 Hòa An (tại Bản Vạn cách nơi sơ tán trên 3km). Tự xin kinh phí của Ty giáo dục để mua vài bao xi măng và đã xây nên một mỏ nước bốn mùa trong xanh, hè mát, ấm đông đủ dùng cho ăn uống và sinh hoạt của gần 100 con người. Mỏ nước đầy chất thơ đó đã là nơi để các em nữ sinh ghi lại vài hình ảnh khi tạm xa nhau, là nơi mỗi khi về thăm lại địa điểm xưa cả thầy và trò khó có thể bỏ qua nơi này và những cái máy ảnh đời mới đã liên tục nháy đèn tuy rằng bây giờ chỗ đó rất hoang sơ (đã qua 40 năm rồi!). Số lớp tăng, thầy và trò lại còng lưng cuốc đất, san nền để hình thành một số mặt bằng đủ rộng để dựng lớp học và cơi nới thêm chỗ ở. Nhân mùa phát nương của đồng bào vùng cao, thầy trò lại cùng trường cấp 3 Hòa An nghỉ học cả tuần (trừ lớp 10 cuối cấp phải học ôn để chuẩn bị thi tốt nghiệp sẽ được huy động vào vài ngày cuối để đưa gỗ, vầu về trường) để đi khai thác gỗ, vầu ở 2 xã Trương Lương, Công Trừng đóng bè, thả mảng trôi sông, lao thác “khỉ mu tu giảo” đầy nguy hiểm, có thể lật mảng khi đâm phải đá ngầm giữa dòng chảy xiết!?  Đơn vị chia nhau sản phẩm ở bến sông và nhân trăng sáng thầy lại cùng trò hò nhau vác bộ vuợt đồi vào Hõm và bồi duỡng đêm lao động chỉ là bát cháo đường cho mỗi người (lại là tiêu chuẩn ăn hằng ngày của mỗi người – không có kinh phí nhà nước). Hè đến thầy trò lại kéo quân vào Bình Long, Hồng Việt để cắt tranh về lợp nhà, lợp lớp và tai nạn đã xảy ra 2 lần: thầy Đỗ Huy Quang bị rắn độc cắn và Phạm Viết Thịnh (khóa 3 quê Quảng Uyên – học tổng hợp trở thành giáo viên vật lý) bị đau ruột thừa. Thầy, trò lại cáng võng vượt đồi, tắt dốc, lội sông, đi theo cách ngắn nhất để đưa nhau đi bệnh viện Hòa An cấp cứu. Chúng tôi rất thương tiếc các em nhỏ lớp 8 (mới độ tuổi 15, 16) và các em học sinh nữ bé nhỏ, cỏ tranh, cỏ dại cào xước cả 2 cánh tay trần nhưng không ai có một lời ca thán. Mồ hôi, sức lực đã thấm vào từng vách nhà mái lá của khu trường mà chúng tôi đã tụ hội tại đây để rèn luyện, học tập, phấn đấu và trưởng thành. Hồi tưởng lại những gì mà chúng tôi đã làm, chúng tôi không thể lý giải nổi vì những điều đó đã vượt qua tầm suy nghĩ của thế hệ hiện nay?! Thời gian dù đã trôi qua theo năm tháng, nhưng tất cả những cái đó vẫn luôn tồn tại trong ký ức của mỗi người đã từng một thời ở “Hõm”.
        Học tập miệt mài, lao động quên mình nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn vui văn nghệ, một món ăn tinh thần không thể thiếu được ở các đơn vị tập trung. Tối tối thứ sáu hàng tuần lại tập trung cả 3 lớp tại một lớp học để tập hát các bài ca mới vừa được học qua làn sóng của đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Nhịp điệu hào hùng, lời ca khí thế của các bài hát đó sao mà dễ thuộc, dễ nhớ thế! Các bài ca truyền thống, các bài ca cách mạng hào hùng của thời chống Mỹ lại được đan xen với các làn điệu dân tộc “si lượn”, “dá hai” của đồng bào tày nùng. Đêm văn nghệ toàn trường ở Cao Bình lần đầu tiên công diễn cho bà con địa phương xem có 2 kỷ niệm của riêng tôi: đồng chí Quang phân công tôi lo khâu ánh sáng và phông màn, Ánh sáng thì đơn giản vì chỉ thông báo cho điện lực và lắp một hệ thống bóng điện hợp lý trên sân khấu nhưng phông màn thì phải suy nghĩ đôi chút, nếu cho 2 em học sinh “cầm sào chạy phông” ở hai cánh gà thì quá “thô thiển”. Tôi phải mầy mò, vẽ sơ đồ và thiết kế hệ thống kéo một đầu dây chạy ròng rọc để đóng phông màn. Cũng xong! Nghĩ mãi phải làm được! Thứ hai là lớp 8A của tôi chủ nhiệm các em lại quá bé, khả năng hát hò không có, múa may lại càng không, tôi lại phải nhờ bạn Ái (giáo viên dạy Địa lý) dàn dựng một vở kịch “em bé giao liên” mà chỉ có 3 nhân vật do 3 em nhỏ nhận đóng vai: Bế Thị Minh, Bế Minh Thuyết, Đỗ Trọng Triển (Minh học thú y, Thuyết giáo viên Toán ở Hà Nội, Triển trưởng ban Hội đồng nhân dân tỉnh) vở kịch đã thành công và sau lại chính lớp này (9A) đã thành công trong vở kịch “Kim Đồng” ở Hội diễn văn nghệ toàn tỉnh.
      Sinh hoạt thầy trò như một gia đình lớn, các thầy như những người anh và học trò như các em nhỏ. Lúc khó khăn cùng tằn tiện chia nhau từng phao dầu nhỏ để có ánh sáng soạn bài, học bài và đôi lúc thầy tròn lại dùng chung một ngọn đèn nhỏ trên lớp học. Ngoài thầy Hiệu trưởng có gia đình riêng, thầy trò cùng ăn chung một bếp ăn tập thể với khẩu phần ăn và đóng góp như nhau. Quản lý chính bếp ăn là một học sinh lớp 9 và 2 học sinh lớp 8 hỗ trợ (lớp 10 cuối cấp đuợc miễn việc chung) và năm sau lại như vậy, quản lý chính là một trong hai học sinh đã phụ làm từ năm truớc. Một cách đào tạo kế cận. Chủ nhật thầy trò lại leo đồi vào rừng lấy củi để góp vào bếp ăn theo quy định. Rất công bằng! tất cả đều xa gia đình, chúng tôi đều được sưởi ấm trong một gia đình lớn. Mỗi lúc học sinh ra trường để chia tay tạm biệt lại bùi ngùi xúc động cũng có những giọt nước mắt đã rơi. Dầu tuy cạn do dùng nhiều để ôn thi nhưng cũng đủ dùng cho ngọn đèn “măng xông” sáng trắng suốt đêm để lưu bút lại cho nhau trên hơn chục quyển sổ nhỏ trao tay làm kỉ niệm. Các đợt học sinh tập trung đi du học hay đi học đại học, các thầy giáo lại thay gia đình để vượt qua bao gian nan của thời kì chiến tranh ác liệt trên tuyến đường Cao Bằng - Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội để đưa các em về Hà Nội tập trung và rồi lại tiễn các em lên đường đi các nước bạn xa xôi. Các lứa học sinh chuyên toán ban đầu đa số đều thành đạt, không ít các em có trình độ khoa học cao (thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học) đảm nhiệm các công việc công tác nhất định ở các cơ quan trung ương, các trường ĐH và các đơn vị kinh tế lớn, là lãnh đạo của các ngành của tỉnh. Học sinh cũ của trường Phổ thông cấp 3 Đặc biệt đã trải dài khắp đất nước Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái nguyên, Hà Nội, Nam Định, Tuy Hòa, Gia Lai, Đắc Lắc, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và cả các nước bạn xa xôi.
      Dù có bay cao bay xa nhưng chúng tôi (cả thầy và trò) đều vẫn nhớ tới ngôi trường sơ tán dù bây giờ chỉ là một bãi hoang vu. Nhớ “Hõm” nhớ thầy nhớ bạn và nếu có dịp này dịp khác lại qui tụ cùng nhau để ôn lại các kỉ niệm xưa, chia vui cùng nhau những gì mà mình đã đạt được trong cuộc sống.
Học sinh ra đi, các thầy lại tiếp tục công hiến và đã có nhiều thành tích mới. Năm thầy giáo của thế hệ ban đầu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
      - Triệu Đoan: Trưởng phòng giáo dục thị xã Cao Bằng.
      - Chu Mạnh Vân: Trưởng phòng giáo dục cấp 2, 3 sở GDĐT Cao Bằng.
      - Bùi Thiệu Nguyên: Giáo viên THPT chuyên Chu Văn An Lạng Sơn.
      - Đỗ Huy Quang: PGS. TS phó Chủ nhiệm khoa văn ĐHSP Hà Nội II.
      - Nay Thông: Hiệu trưởng Dân tộc nội trú Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc.
     (Các chức danh trên là ở thời điểm nhận danh hiệu NSƯT)
      Tháng 10/1970 tôi có quyết định về Ty giáo dục Cao Bằng công tác, rời mái trường thân thương, chia tay các bạn đồng nghiệp cũ mới đầy nhiệt tình và trách nhiệm, chia tay hơn chục học sinh nhỏ 9A mới chủ nhiệm năm đầu, xin mượn mấy vần thơ của Triệu Lam Châu – bút danh của Triệu Thế Châu quê Nà Pẳng – Đức Long – Hòa An, học sinh khóa 1967 – 1970 du học tại Liên Xô (đại học Mỏ địa chất Leeningrad 1970 - 1976) khi trở lại thăm trường cũ “Hõm xưa”.
      Về thăm trường cũ
      Ôi những ngày xưa rạo rực bồi hồi
      Sao người đi nhanh đến thế
      Đâu rồi ánh mắt nhìn e lệ
      Bấy năm ròng xao động mãi chưa thôi
      Bạn bè nay ở mọi phương trời
      Có biết giờ đây tôi trở lại
      Một mình soi bóng dòng suối núi
      Vẫn lung linh quầng sáng năm xưa.
      Thế mà tôi vẫn cứ về thăm
      Lòng ấm lại biết bao kỉ niệm
      Ánh mắt lung linh  nụ cười kháng chiến
      Mái trường sơ tán lẫn trong mây
      Cây phượng hồng thuở ấy vẫn còn đây
      Như ủ sẵn trong lòng ngọn lửa
      Như thầm nhắc tên mỗi người trong gió
      Như đợi chờ bạn cũ trở về thăm.
      (Tác giả: anh Triệu Lam Châu hiện là giảng viên trường CĐKT Tuy Hòa - Phú Yên).
      Và cũng tại đây tôi xin ghi lại vài dòng tâm sự của một học sinh cũ sau gần 20 năm xa trường gửi về khi được cử sang Liên Xô (lần thứ 2) để bảo vệ luận án tiến sỹ với đề tài “Trí khôn nhân tạo trong tự động thiết kế”.
      “…đây là một dịp may và là thành công lớn của em, người học sinh nhỏ tuổi đã được thầy yêu quý và dìu dắt năm nào vào đời và vào khóa học. Dù ở đâu và bao giờ đi nữa, em mãi là học sinh yêu của thầy, vẫn mãi mãi kính trọng và yêu thương thầy. Dù em đã trưởng thành và cũng từ lâu trong ngành giáo dục, có gia đình riêng nhưng em vẫn nhớ những kỉ niệm tình cảm thầy trò năm nào. Với  sinh viên em đã cố gắng noi gương thầy như ngày xưa, cư xử một cách công bằng, yêu thương họ và ngược lại em cũng được họ yêu thương và tôn trọng thực tình. Đó là hạnh phúc và phần thưởng lớn lao nhất của đời em và em nghĩ đã cố gắng để xứng đáng với lòng tin yêu của thầy khi tạo điều kiện cho em vào đời năm nào…”
Mátcơva 12 tháng 9 năm 1987
      (Phạm Văn Hòa giảng viên khoa điện toán đại học Bách khoa Tp.HCM)
      Anh Hòa là một học sinh khóa đầu 1968, ra trường đi du học tại Liên Xô. 1974 về nước, một thời gian sau giải phóng miền Nam 1975 vào Tp.HCM nhận công tác. Hiện anh Hòa đang làm việc tạ CHDC Đức.
      Trường phổ thông cấp ba Đặc Biệt Cao Bình trong thời kỳ khó khăn  cuối bao cấp và đầu chuyển đổi cơ chế đã dừng tuyển sinh Chuyên Toán một số năm.
      Năm học 1991 - 1992 với cương vị trưởng phòng Giáo dục cấp 2, 3 Sở GD&ĐT Cao Bằng tôi đã tham mưu để lại được tuyển sinh lớp 10 Chuyên Toán (hệ 12 năm) và gửi học tại trường THSP tỉnh. Năm học 1994 - 1995 chuyển cả hệ này sang trường PTDT Nội trú và sau thì theo xu thế phát triển đã tuyển sinh thêm một số bộ môn: Văn học, Vật lý, Ngoại ngữ, Sinh học và đến năm 2001 - 2002 chính thức thành lập trường TPHT Chuyên Cao Bằng.
 
NGƯT Chu Mạnh Vân
Nguyên P.Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng
(Cựu GV lớp "Toán đặc biệt)


Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay2,966
  • Tháng hiện tại40,602
  • Tổng lượt truy cập5,953,831
logo
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 4, Phường Hòa Chung - Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Email: c3chuyen.caobang@moet.edu.vn - Điện thoại: 0263.957.292
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hà Tiến Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn www.thptchuyencaobang.edu.vn khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
hau hoc van removebg preview
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây