Lúc sinh thời, Bác Hồ cũng đã chỉ ra rằng phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi, Bác nói “ Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quan đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ”.
Trong thời kì đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong tất cả những thành tựu đó, có sự đóng góp xứng đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về những người phụ nữ Việt Nam tài năng, sáng tạo, giàu lòng nhân ái – những tinh hoa của phòng trào phụ nữ Việt Nam. Không chỉ hoàn thành tốt công tác xã hội, chị em còn có công lớn trong xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, nuôi dạy con cái, góp phần đào tạo nguồn nhân lực quý giá cho đất nước.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động từ năm 1989, được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cụ thể hóa thành phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong ngành Giáo dục. Phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” tiếp tục có sức lan tỏa, ngày càng có chiều sâu, phát huy được phẩm chất tốt đẹp và tiềm năng to lớn của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGLĐ) trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ CBNGLĐ trong sự nghiệp trồng người.
Tiếp nối trang sử vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, vai trò của phụ nữ nói chung và phụ nữ ngành Giáo dục & Đào tạo nói riêng càng nặng nề hơn, đòi hỏi các chị phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành tốt cả hai chức năng, làm tròn cả hai bổn phận của người thầy trên lớp, người vợ, người mẹ tốt trong gia đình. Những thế hệ nữ cán bộ giáo viên trường THPT Chuyên đang ngày đêm miệt mài “dệt gấm, thêu hoa” lên bảng vàng truyền thống của nhà trường, luôn miệt mài, tận tuỵ trong sự nghiệp trồng người, ươm mầm thế hệ có chất lượng cao cho tỉnh nhà và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong gia đình các chị em vừa là người con hiếu thảo, người chị, người em dịu hiền; là người vợ thủy chung, người mẹ mẫu mực. Các chị khéo léo thu xếp công việc gia đình để vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường, cơ quan mà vẫn có thời gian hướng dẫn con học tập, chăm sóc bố mẹ già, lo toan cuộc sống gia đình nề nếp, tham gia nhiệt tình các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo, các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hoá trong gia đình, trong khu dân cư.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” đã đạt được những kết quả đáng kể. Phụ nữ ngành Giáo dục nói chung và phụ nữ trường THPT Chuyên nói riêng đã tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Sự thành đạt của người phụ nữ được đánh giá bằng một gia đình yên ấm, với một người chồng luôn yêu thương họ, với sự khôn lớn, trưởng thành của con cái. Như vậy muốn “Giỏi việc trường”, đòi hỏi nữ CBGV trước hết phải “Đảm việc nhà”. Việc tổ chức các hoạt động thi đua, vận động các chị nhiệt tình tham gia phong trào là cách để các chị phấn đấu trở thành người vợ, người mẹ đảm đang tháo vát, biết cách chăm sóc gia đình, chồng con, có kế hoạch làm việc khoa học, biết cách sắp xếp thời gian hợp lý cho việc chung, việc riêng.
Theo đó, mỗi đơn vị, trường học trong ngành cần triển khai một số giải pháp cụ thể như sau để luôn thực hiện tốt trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà:
Một là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 18/8/2010 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa của phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong ngành Giáo dục.
Hai là, động viên nữ CBNGLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới; thực hiện nghiêm túc chính sách dân số, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và cơ sở giáo dục; nuôi con khỏe, ngoan, học giỏi, chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Ba là, công đoàn trường cần cần chủ động tham gia với chuyên môn đảm bảo việc làm, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc ổn định cho nữ CBNGLĐ.
Bốn là, phát hiện, giới thiệu nữ CBNGLĐ ưu tú cho Đảng, chính quyền xem xét bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, tham gia cấp ủy, bộ máy lãnh đạo chính quyền, đoàn thể các cấp; phấn đấu đến năm 2020, mỗi cơ sở giáo dục đều có ít nhất 01 cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý đơn vị và phấn đấu tăng tỉ lệ nữ giữ cương vị thủ trưởng đơn vị.
Năm là, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp công đoàn, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban nữ công các cấp để làm tốt công tác tham mưu về công tác vận động nữ, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác nữ công.
Sáu là, cần xây dựng kế hoạch, mục tiêu và’ cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, tiêu chuẩn thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” cho phù hợp; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào; biểu dương khen thưởng kịp thời, nhân rộng điển hình tiến tiến. Phát huy những kết quả đã đạt được, với kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo và tổ chức triển khai phong trào nhiều năm qua, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và có sức lan toả mạnh mẽ, để phụ nữ ngành Giáo dục có nhiều đóng góp xứng đáng hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ ngành Giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Để trở thành một người phụ nữ “giỏi việc trường – đảm việc nhà” bên cạnh việc cố gắng, nỗ lực của bản thân, chúng tôi rất cần có sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, công đoàn trường, công đoàn ngành Giáo dục trong việc tạo điều kiện cũng như cơ hội để chúng tôi có thể đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào phòng trào chung và cũng để khẳng định vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới: Tự tin – Tự trọng – Năng động – Sáng tạo – Trung hậu – Đảm đang.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thptchuyencaobang.edu.vn là vi phạm bản quyền