Cụ thể, điểm môn Toán của Khánh là 8.75, môn Văn là 9 và Tiếng Anh là 9.5.
Cộng với số điểm ưu tiên và khuyến khích khi là người dân tộc Tày đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Khánh đã có trong tay mức điểm trên 30 để sắp tới tham gia xét tuyển đại học.
Chia sẻ với VietNamNet, Khánh cho biết bản thân không quá bất ngờ và hoàn toàn hài lòng trước kết quả này.
“Sau khi kết thúc các bài thi, em cũng đã ước tính số điểm mình đạt được sẽ rơi vào tầm này. Nhưng khi chứng kiến kết quả cuối cùng như ý thì bản thân cảm thấy rất vui”, Khánh nói.
Hẳn không ít người bất ngờ khi một học sinh chuyên Toán như Khánh lại có thể kiếm được tới 9 điểm từ đề thi môn Văn.
“Lúc biết điểm em cũng hơi bất ngờ bởi trong 3 môn thì Văn là môn em học yếu nhất”, Khánh chia sẻ.
Có được kết quả này, Khánh cho rằng một phần cũng nhờ sự định hướng rất hữu hiệu từ cô giáo dạy văn của em.
Khánh bật mí: “Ngoài việc yêu cầu học kỹ sách giáo khoa để nắm kiến thức cơ bản, cô giáo luôn dặn em phải chăm chỉ cập nhật thông tin thời sự để có thêm kiến thức về xã hội. Việc liên hệ thực tiễn cuộc sống khiến bài thi sinh động hơn”.
Cùng đó những kỹ năng trình bài một bài thi sao cho không bị mất điểm là vô cùng quan trọng. “Cô giáo đã đưa ra rất nhiều dạng bài tập để chúng em làm rồi chữa để rút ra kinh nghiệm”, Khánh kể.
Bài thi tiếng Anh gần chạm mức điểm tuyệt đối có vẻ là điều “dễ tin” hơn với một cô nàng từng đạt giải Khuyến khích của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh. Trước đó, 3 năm liền THPT, nữ sinh người dân tộc Tày này cũng “rinh” về rất nhiều giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Khánh chia sẻ, bản thân có được những thành công trong ngày hôm nay nhờ được mẹ định hướng việc học ngoại ngữ ngay từ khi vào lớp 3.
Không ỷ lại điểm cộng
Với những nền tảng đó, trước thi THPT quốc gia, thực tế Khánh đã có trong tay một ít điểm “làm vốn”. Song bản thân em không quá quan tâm đến những điểm cộng mà thay vào đó là quyết tâm, nỗ lực kiếm điểm từ năng lực của mình.
Thậm chí đến bây giờ, khi được hỏi, Khánh cũng lúng túng không biết mình sẽ được cộng chính xác bao nhiêu.
“Em nghĩ rằng về cơ bản kết quả vẫn phải do bản thân mình nỗ lực, điểm cộng dù sao cũng chỉ là yếu tố phụ và không thể chỉ nhìn vào đó và ỷ lại”, Khánh nói.
Dù đạt giải quốc gia nhưng trước kỳ thi THPT, Khánh không đặt ra mục tiêu một mức điểm cao mà bản thân phải đạt được.
“Em nghĩ rằng cần tạo cho mình một tâm lý thoải mái để làm bài thi hơn là việc cố gắng nhồi nhét kiến thức. Bố mẹ cũng không thúc giục em học quá nhiều mà khuyên em duy trì lịch sinh hoạt như ngày thường”, Khánh bộc bạch.
Khánh chủ yếu tập trung đào sâu những kiến thức cơ bản. Bởi theo em, chỉ khi chắc kiến thức cơ bản thì mới có thể và dễ dàng tìm hiểu thêm các kiến thức nâng cao.
Chia sẻ về kinh nghiệm học, Khánh cho rằng các bạn trẻ nên làm nhiều bài tập, nhưng đặc biệt không được khinh thường những bài tập dễ để rèn kỹ năng. “Một ngày không cần phải làm quá nhiều bài tập nhưng việc làm bài tập phải được diễn ra hằng ngày để rèn luyện phản xạ của bản thân”.
Theo Khánh, với sự phát triển của công nghệ và mạng internet hiện nay, học sinh dân tộc, miền núi hoàn toàn có thể bắt kịp những thông tin mà học sinh miền xuôi được biết.
Với Khánh, mạng xã hội Facebook là một công cụ rất đắc lực giúp em có thể trao đổi kiến thức, tài liệu với bạn bè và thầy cô một cách nhanh chóng.
Điều khiến Khánh thích nhất là thầy giáo hướng dẫn tiếng Anh của em cũng thường xuyên dùng Facebook, do đó việc hỏi đáp cũng không mất nhiều thời gian.
“Tất nhiên chỉ là hỗ trợ thôi, bởi tiếng Anh thì giao tiếp với nhau không cách nào tốt hơn là đối thoại trực tiếp”, Khánh nói.
Với số điểm có được, Khánh đang đứng trước rất nhiều cơ hội vào các trường đại học, thậm chí cả những trường top đầu trên cả nước. Cô bạn sinh năm 1998 cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa quyết đinh nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là Trường ĐH Ngoại thương hoặc Học viện An ninh nhân dân.
Nguồn tin: Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn