Ngày sinh em ra, người mẹ bị mù lòa nghe tiếng con khóc nở nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc. Nhưng đâu hay trong giây phút ấy người cha chỉ biết lẳng lặng đứng nhìn từ xa rồi quay mặt để che đi giọt nước mắt, xót xa khi nhìn thấy chân trái của đứa con gái bị teo nhỏ lại, tay phải dị tật đến lạ thường.
Sau những đợt chữa trị, bác sĩ xác định em bị khớp giả xương chày chân trái, xương không phát triển, hai khớp không liền lại được nhau và tiến hành cắt bỏ để lắp chân giả.
Và cứ thế suốt 10 năm nay, Đặng Ngọc Bảo Châu (học sinh lớp 9A Trường THCS Ea Trul, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã đến trường trên đôi chân tập tễnh ấy.
Khó đi cha dắt con đi...
Trước cổng Trường THCS Ea Trul, suốt mấy năm nay dù ngày nắng hay mưa người dân cũng bắt gặp hình ảnh người đàn ông dáng nhỏ thó trên chiếc xe đạp cũ chở con tới cổng trường, rồi cầm tay dắt vào lớp và đứng chờ đón con về lúc tan trường.
Ông là Đặng Văn Thủy, cha của Bảo Châu. Con gái ông 14 tuổi cũng là chừng ấy năm ông âm thầm chăm sóc dõi theo từng bước chân con. Nhìn những bước đi còn tập tễnh và khó nhọc của Châu, ít ai biết được đằng sau đó là cả một nỗ lực phi thường để vượt lên nghịch cảnh.
Ông Thủy còn nhớ như in những ngày tháng ban đầu nuôi nấng Châu. Cơ thể không lành lặn như những đứa trẻ khác nên tuổi thơ Châu là chuỗi ngày đẫm nước mắt. Chân tay yếu không đi lại được, năm lên 3 tuổi Châu vẫn nằm và mở to mắt nhìn cha mẹ một cách bất lực.
Thương con, khi Châu lên 6 tuổi ông quyết định lắp nẹp và tập đi cho Châu.
“Hai chân không bằng nhau nên để tập đi phải độn thêm một lớp đế dày 10 phân ở dép bên trái. Rồi sau nhiều lần điều trị và theo dõi, bác sĩ kết luận chân Châu không phát triển được nên tiến hành cắt bỏ một phần chân và thay thế bằng chân giả mới di chuyển được” - ông Thủy xót xa kể.
Để giúp con đi được trên chiếc chân giả mới lắp, cứ mỗi buổi sáng ông Thủy kiên trì, nhẫn nại từng chút một, uốn dáng đi cho Châu bớt ngả nghiêng, xiêu vẹo. Bài một tập đi, bài hai xoa bóp, bài ba cho con phơi nắng, bài bốn dìu con qua khe hẹp.
“Con bé cứng rắn và quyết tâm lắm, để tập đi dù đau đớn đến mấy nhưng nó không khóc. Nhiều lần bị ngã, cháu nói không sao và tự đứng dậy tập đi tiếp” - ông Thủy gạt nước mắt kể.
Sau sáu tháng trời kiên trì tập luyện, cuối cùng Châu đã tự mình bước được những bước đi đầu tiên trong niềm hạnh phúc của những người thân yêu. Không an tâm khi để con đi học một mình, ông Thủy tất tả ngày đêm dìu Châu đi học và đón về suốt 10 năm nay.
Tình yêu thương chắp cánh giấc mơ con
Khó khăn không dừng lại ở đó. Đầu năm 2013, sau đợt mổ một khối u ở tay phải, ngón tay của Châu trở nên yếu ớt. Không cầm bút được bằng hai ngón tay như trước nữa, nên Châu phải tập viết bằng cách cầm bút bằng cả bàn tay năm ngón.
“Mình tập viết lại từ đầu, ban đầu rất mỏi và đau nhức nhưng rồi cũng quen. Mỗi ngày chỉ tập viết được hai tiếng. Sau bốn tháng thì viết được, nhưng chữ mình giờ không được đẹp như trước nữa, nguệch ngoạc lắm” - Châu ngại ngùng khi đưa cuốn vở cho tôi xem.
Nhìn Châu - cô học trò thơ ngây, có đôi mắt to tròn miệt mài đọc sách ở cuối lớp - cô Nguyễn Thị Vinh, giáo viên chủ nhiệm suốt bốn năm của Châu, cảm phục chia sẻ đó là một cô bé nghị lực phi thường. Nhờ sự chăm chỉ, trong chín năm liền từ cấp I đến cấp II năm nào Châu cũng có bằng khen và đạt học sinh giỏi.
“Điều tôi xúc động nhất ở Châu là bất chấp thời tiết hay đường đi lại có khó khăn thế nào em vẫn đi học. Ngay cả những buổi lao động, ngoại khóa dù được miễn nhưng Châu vẫn tham gia rất nhiệt tình” - cô Vinh chia sẻ.
Cảm phục trước nghị lực của Châu, mỗi năm thầy và trò Trường THCS Ea Trul đều trích tiền quyên góp từ quỹ nuôi heo đất, tặng sách vở... để trợ giúp. Những ngày cuối năm 2016, một tin vui nữa lại đến khi một tổ chức thiện nguyện ở huyện Krông Bông đã kêu gọi quyên góp và tặng gia đình Châu một chiếc xe máy để con đường tới trường của hai cha con bớt gian nan hơn.
Chỉ còn mấy tháng nữa Châu sẽ thi chuyển cấp. Quãng đường từ nhà tới trường sẽ dài và xa hơn khi ở huyện Krông Bông chỉ có một trường cấp III duy nhất cách nhà Châu đến 15km.
Nói về dự định và ước mơ của mình, Châu bảo: “Ba không thể chở mình tới trường mãi được, lên cấp III mình sẽ tự đi học bằng xe buýt. Mình thích học toán và mơ ước trở thành một cô giáo dạy toán. Nếu gia đình có đủ điều kiện mình sẽ cố gắng học thật giỏi để thực hiện được giấc mơ đó”.
Bán lúa non để thay chân giả cho con Bà Võ Thị Nuôi (mẹ của Châu) mắc phải căn bệnh pha lê thể, đôi mắt không nhìn thấy được nên cả nguồn sống của gia đình đều đè nặng lên đôi vai ông Thủy. Ông Thủy cũng mang trong mình căn bệnh u xơ thần kinh, da nổi những cục u khắp người, sức khỏe ngày càng yếu dần đi. Châu đang ở độ tuổi trưởng thành nên chân ngày càng phát triển. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi năm sẽ phải đi thay chân giả một lần để cân bằng. “Chi phí mỗi lần thay chân giả là 10 triệu đồng. Gia đình hiện tại chỉ có 2 sào ruộng, cứ mỗi đợt đi thay chân cho Châu tôi thường vay mượn hàng xóm và bán trước lúa non chưa thu hoạch, cuối mùa sẽ trả hết lúa cho lái buôn” - ông Thủy tâm sự. |
Nguồn tin: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn