Năm học 2022 - 2023 dẫn đầu quy mô đào tạo đại học là khối ngành V (toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y) với 586.024 sinh viên.
So với năm học trước đó, khối ngành này có số sinh viên tăng thêm hơn 42.372.
Xếp vị trí số 2 quy mô đào tạo đại học năm học qua với 509.208 sinh viên là khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật). So với năm học trước đó, khối ngành này năm nay giảm 36.151 sinh viên.
Như vậy có sự dịch chuyển vị trí dẫn đầu về quy mô đào tạo giữa hai khối ngành V và III trong hai năm học vừa qua, nếu năm học 2021 - 2022 khối ngành III đứng đầu thì năm học vừa qua là khối ngành V (lấy lại vị trí số 1 từng nắm giữ ở năm học 2020 - 2021).
Vị trí số 3 với 401.064 sinh viên trong năm học 2022 - 2023 là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng).
Tuy nhiên khối ngành này lại giảm đến 43.223 người học so với năm học trước đó.
Tiếp đến quy mô đào tạo đại học năm học 2022 - 2023 các ngành khối còn lại gồm: khối ngành VI (sức khỏe) với 143.775 sinh viên; khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) với 89.321 sinh viên.
Hai khối ngành tiếp tục số lượng người học thấp nhất là khối ngành II (nghệ thuật) với 24.347 sinh viên và khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên) với 23.367 sinh viên.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), quy mô đào tạo đại học trên toàn hệ thống có thể thấy một số đặc điểm khá đặc biệt trong năm học vừa qua.
"Khối ngành I có sự sụt giảm mạnh. Nguyên nhân do các địa phương thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên còn nhiều hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến việc đào tạo giáo viên của các trường trong hệ thống.
Quy mô đào tạo khối ngành V có sự gia tăng khá trong năm học vừa qua. Trong khối ngành này, đặc biệt là những ngành khoa học cơ bản, quan trọng đã tăng số người học. Khối ngành VI và VII có sự sụt giảm nhẹ, tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Việc này do công tác truyền thông tư vấn hướng nghiệp đến thí sinh một số nơi chưa hiệu quả, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học", bà Thủy nhận định.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn