Người thầy!

Thứ sáu - 25/11/2016 01:50
Ai rồi cũng phải lớn, ai rồi cũng sẽ trưởng thành, sẽ bắt đầu cuộc chiến thực sự với những phong ba trong cuộc sống, hiểu được khó khăn là gì, không đơn thuần là nỗi lo điểm kém, lo bị bố mẹ đánh mắng, khiến thầy cô buồn rầu. Và đó là lúc con người biết nuối tiếc tuổi học trò.
Tuổi học trò – quãng thời gian tươi đẹp nhất của con người. 12 năm cắp sách đến trường, 12 năm được mặc đồng phục, được lắng nghe lời giảng dạy của thầy cô, 12 năm ấy không là quá dài khi so sánh với “60 năm cuộc đời”, nhưng chắc chắn sẽ mộng mơ, trong sáng và nhiệt huyết nhất. 12 năm ấy là khi ta biết ước mơ, biết khát vọng, biết có những lo âu bất chợt, có những ý tưởng nhanh đến và nhanh đi. Và đó còn là khi chúng ta – những đứa trẻ đang học để trưởng thành, dám nghĩ dám làm, dám tin vào những điều tưởng như viển vông , bởi bên cạnh ta đã có thầy cô dạy bảo, dìu dắt, có thầy cô để chỉ ra cái sai, nâng chúng ta dậy sau những vấp ngã. Đó chính là điều khiến tuổi học trò trở nên vô giá, vô giá bởi chính “những người lái đò thầm lặng”.

Cứ mỗi năm một lần, “Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11” là ngày để học sinh nhớ đến thầy cô của mình, nhớ đến những lời căn dặn ân cần hay răn đe đầy nghiêm khắc. Thầy cô là người luôn dành hết sự yêu thương cho học sinh – dù chúng có thật ngỗ nghịch và khó bảo, luôn dành hết tâm huyết của mình để giảng dạy dù cho môn học đó thật sự khó nhằn. Chúng tôi cũng có một người thầy như thế: thầy Đặng Việt Dũng. Tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện về người thầy tuyệt vời ấy.

Đối với một lớp chuyên Anh, việc học, hay thậm chí chỉ tập trung nghe một môn Tự Nhiên như Vật Lý không phải là điều dễ dàng. Bản chất dòng điện, mạch điện, các định luật khác nhau… đều quá khó nhằn. Vì thế, chúng tôi thường xuyên mất trật tự trong giờ học, làm việc riêng, không chú ý, điểm số cứ thế tụt dốc không phanh, kiến thức “hổng” đến mức khó có thể bù lại. Tâm lí học sinh luôn như thế, nhất là ở độ tuổi ẩm ương này, cảm thấy hứng thú sẽ rất chăm chỉ tìm tòi, nhưng chỉ cần không hiểu một chút, khó khăn một chút sẽ bỏ cuộc nhanh chóng. Chúng tôi đâu thể hiểu cái hại của hành động ấy, đâu thể nghĩ rồi khi bước vào những kì thi quan trọng trước mặt, mình sẽ phải làm thế nào?

Đứng trước một tập thể “oái oăm” bậc nhất, thầy vẫn luôn kiên nhẫn, vẫn luôn nhẹ nhàng dạy bảo chúng tôi, là người giáo viên hiếm hoi ít khi nổi nóng, ít khi phàn nàn về chúng tôi đến cô giáo Chủ nhiệm. Thầy dành trọn cả nhiệt huyết của mình vào bài giảng, dành trọn tâm trí để những mạch điện đầy “khô khan” kia trở nên thú vị, kể cho chúng tôi nghe về các anh chị thành đạt, dạy chúng tôi đừng nản lòng khi bị điểm kém, quan tâm đến các bạn nữ trong ngày 20/10. Những điều mà thầy truyền đạt không chỉ vỏn vẹn là kiến thức trong sách vở, đó còn là cách làm người, thầy hướng chúng tôi biết nhìn về tương lai, biết làm những điều tốt nhất để có một tương lai tươi sáng. Những tiết học của thầy giờ đã yên lặng hơn, không còn những nô đùa, những đùa cợt riêng tư, hay miếng bánh ăn vụng dưới ngăn bàn. Chúng tôi, nhờ tình cảm, nhờ những lời thầy dạy, đã trở thành những học sinh ngoan hơn, đã biết rằng một điểm 0 chưa phải là kết thúc, đã giành tâm huyết của mình để học tập, để hiểu môn học vẫn luôn khó nhằn này, như cách thầy dùng tâm huyết để dạy chúng tôi vậy.

Thầy đã nói với chúng tôi rằng: “Thầy cô dạy các bạn, không phải để sau này các bạn trở về báo đáp, về trả ơn, nhưng chúng tôi sẽ luôn dõi theo bước đường mà bạn đi và tự hào bởi những gì bạn làm được.” Có lẽ, đối với người giáo viên, hạnh phúc không phải là những bó hoa, những món quà nhận được trong Ngày Nhà Giáo, hạnh phúc là khi được nhìn thấy học trò của mình thành đạt, nhìn thấy bao tâm huyết của mình giờ đã thành “quả ngọt”.

Ngày 20/11 đang đến gần, chúng em xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những người đã và đang làm nghề Giáo nói chung, và các thầy cô đang giảng dạy tại trường THPT Chuyên nói riêng. Kính chúc các thầy cô thật nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục “trừng trị” những học trò nghịch ngợm, để tiếp tục cuộc hành trình dạy học đầy cao quý này. Chúng em, nhờ sự dạy bảo của các thầy cô, đã ngày một trưởng thành và hoàn thiện hơn. Dù sau này có gặp phải phong ba bão táp, chúng em chắc chắn sẽ vượt qua, bởi chúng em biết, ở đâu đó vẫn luôn có ánh mắt dõi theo từ chính “người mẹ thứ hai của mình”.

Cuối cùng tôi xin được mượn lời của Thảo Nguyên để nói về những người thầy của mình.
 
“Con đò mộc - mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...”

Tác giả: Phạm Lưu Thùy Dương – 11 Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn



Liên kết website
FANPAGE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay12,224
  • Tháng hiện tại304,859
  • Tổng lượt truy cập3,237,687
logo
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 4, Phường Hòa Chung - Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Email: c3chuyen.caobang@moet.edu.vn - Điện thoại: 0263.957.292
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hà Tiến Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn www.thptchuyencaobang.edu.vn khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
hau hoc van removebg preview
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây