Cô và người bạn nhỏ của tôi!

Thứ sáu - 25/11/2016 01:48
Trong cuộc đời mỗi con người, có thể nói thầy cô chính là người để lại trong ta những kỉ niệm đẹp đẽ và khó quên nhất. Ôi hai tiếng thầy cô thật thân thương và gần gũi biết bao. Trong hành trình đuổi bắt giấc mơ, thầy cô là người truyền đạt kiến thức và dạy dỗ ta. Khi mới bước chân vào cánh cổng trường tiểu học, thầy cô là người đầu tiên gieo vào trong tam hồn non trẻ của ta những điều đẹp đẽ nhất, là người đầu tiên đẫn dắt ta khám phá vùng đất mới – vùng đất của tri thức vô tận. Tôi còn nhớ như in cảm giác được cô giáo cầm tay viết những nét chữ đầu tiên của cuộc đời, từng nét từng nét một vô cùng cẩn thận, rồi cả âm thanh lanh lảnh khi đọc bài vỡ lòng của những đứa học trò theo giọng nói dịu dàng của cô. Tất cả những kí ức tươi đẹp đó sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Lớn hơn một chút nữa, cái mà chúng ta được các thầy cô dạy không không phải là những bài học vỡ lòng nữa mà là những bài học phức tạp hơn, sâu sắc hơn. Đó là cách sống và triết lý làm người.
Trong suốt mười năm học ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ, câu chuyện về Lam và những người bạn năm ấy đã in sâu trong lòng tôi và các thành viên lớp 7D. Tôi còn nhớ hôm đó là một ngày mưa rất to, bùn đất trong sân vì nước mưa mà nhão nhoét, đỏ cả một góc trường. Rồi cây phi lao bên cạnh lớp tôi cũng vì gió mà cong cành, rụng lá. Mưa mấy ngày nay rồi. Đến giờ đã vào lớp được mấy phút mà cả lớp vẫn nhốn nháo, nhóm nam thì tụ tập bóng bàn còn nhóm nữ thì không biết bàn luận cái gì mà sôi nổi lắm mặc kệ cho cô bạn lớp trưởng của chúng tôi kêu gào giữ trật tự. Lát sau, vì lớp vẫn không giữ trật tự nên lớp trưởng đành bỏ cuộc và tiếp tục đi làm bài tập của của cậu ấy. Cùng lúc đó, một bóng dáng quen thuộc tiến vào lớp tôi, đó là cô chủ chủ nhiệm. Nhìn thấy cô, lũ quỷ lớp tôi mới giả vờ yên lặng. Ồ, nhưng sau lưng cô còn có ai nữa kìa. Chúng tôi thấy tò mò, nghển cổ ra xem thì thấy một bạn nữ nhỏ bé, vai đeo một chiếc ba lô con con. Cô bước vào của lớp và bạn nữ ấy cũng bước vào theo sau cô. Đến  bây giờ chúng tôi mới nhìn rõ được cô bạn ấy. Bạn ấy rất gầy, trong thật nhỏ bé trong bộ quần áo cũ rộng thùng thình kia. Cái ống quần ướt một mảng vì trời mưa, mái tóc cũng bết dính vào khuân mặt, trông thật nhếch nhác. Bạn có nước da ngăm ngăm nhưng không phải ngăm ngăm kiểu khỏe khoắn mà kiểu khắc khổ và khuôn mặt cũng rất bình thường. Nhưng sau này tôi mới phát hiện ra điều đặc biệt trên khuôn mặt bình thường ấy. Cô giáo đặt nhẹ tay lên vai bạn và nói: “Cả lớp trật tự hôm nay lớp ta có bạn mới”. Dưới lớp bắt đầu có tiếng xì xào rồi bỗng vang lên giọng nói ồm ồm của thằng Dũng: “Chán! tưởng có bạn mới xinh đẹp, hóa ra lại xấu thế này”. Cùng với đó là tiếng hưởng ứng của mấy thằng còn trai nghịch nhất lớp. Bọn con trai thì vô duyên thế đấy, còn mấy bạn gái cũng chỉ trỏ bàn tán và còn một số khác thì chẳng quan tâm đến thế sự, cứ việc làm việc của mình. Thấy thế, cô giáo lại nhắc lớp trật tự lần nữa và quay sang Lam bảo bạn ấy giới thiệu về mình. Lam ngại ngùng, giọng lí nhí: “Xin chào mình tên là Lam”. “Ối giời cái giọng đặc sệt quê” lại là giọng của thằng Dũng, vì bị cô nhắc nên lần này nó nói nhỏ hơn nhưng cũng đủ để Lam nghe thấy. Lam lúng túng, ngại ngùng và ngẩn ngơ. Sau đó cô xếp Lam ngồi cạnh lớp trưởng. Lam chầm chậm đi xuống từ bục giảng, qua mấy dãy bàn rồi ngồi vào chỗ bên cạnh lớp trưởng. Lúc Lam di chuyển đến chỗ ngồi tôi vẫn cảm thấy sự lo lắng và rụt rè trong Lam bởi vẫn có những tiếng xì xào và những cái nhìn chòng chọc xung quanh. Lam vừa ngồi xuống ghế, vẫn chưa định thần lại thì lớp trưởng bên cạnh quay sang nở nụ cười nhẹ làm Lam bất ngờ. Có lẽ nụ cười này chính là thứ ấm áp nhất mà Lam nhận được trong ngày đầu tiên đến lớp. Cũng may nhờ nụ cười đó mà sau này cả lớp mới bớt đi áy náy đối với Lam. Hôm sau trời có vẻ vẫn không có dấu hiệu tạnh mưa. À đang mùa bão mà. Tôi vừa phóng xe đến cổng trường thì trống, may quá vừa kịp giờ. Vào lớp, mọi thứ vẫn như ngày thường nhưng hình như gió kia đang có chuyện gì đó. Đến gần hơn, tôi thấy một mình Lam chật vật bên đống sách đã bị ướt hơn nửa. Tôi quay sang hỏi cái Hồng bên cạnh, nó nhún vai bảo không biết rồi lại cắm mặt vào cái điện thoại. Thấy thế, Uyên bảo: “Hình như bọn con trai mang cái cặp ấy vứt ra trời mưa lúc Lam đi ăn sáng” nói xong lại gục đầu xuống ngủ tiếp. Còn Lam vẫn ngồi đó cố gắng rũ rũ mấy quyển sách nhưng chẳng khá khẩm hơn vì những quyển sách đã cũ quá rồi, giấy bở ra hết cả. Phía bọn con trai thì có vẻ rất đắc chí, cười đùa vui vẻ mà đâu biết rằng những quyển sách ấy quan trọng với Lam như thế nào. Sau này khi biết Lam là một đứa trẻ mồ côi, phải tự làm lụng kiếm sống ở quê, nay được người cô ở thành phố đón ra cho ăn học nhưng cũng vất vả lắm thì bọn con trai mới biết hối hận. Chúng nó thực ra cũng chỉ muốn trêu đùa một chút nhưng không ngờ sự việc lại thế. Còn một việc mà chúng tôi cảm thấy có lỗi với Lam đó là cười nhạo chất giọng “quê” của bạn ấy. Câu chuyện chưa dừng ở đó, sắp tới nhà trường sẽ tổ chức lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, lớp tôi được phân công làm báo tường và diễn một vở kịch. So với lớp khác, lớp tôi được giao phần việc nhiều hơn nên ai cũng bận rộn chuẩn bị cho buổi lễ, không còn ai chú ý đến Lam nữa. Nhưng đến gần ngày nộp báo tường rồi mà lớp tôi vẫn chưa chẩn bị được gì vì không có bạn nữ nào vẽ đẹp cả. Thế là cả nhóm làm báo tường nói với cô chủ nhiệm. Nghe thế cô cười bảo: “Chẳng phải lớp ta có bạn vẽ rất đẹp sao”. Chúng tôi thấy lạ vì trước đến nay chẳng có đứa nào biết vẽ vời gì đâu. Cô bảo tiếp: “sao Lam không tham gia làm báo tường cùng các bạn?”.  Đến giờ chúng tôi mới nhớ đến Lam nhưng có vẻ như Lam không biết vẽ đâu. Lam vẫn ngồi một mình một góc, bạn không nói gì cả. Cô giáo nhẹ nhàng đi đến bên cạnh Lam và hỏi: “Sao vậy em, sao em không giúp các bạn làm báo tường, em vẽ rất đẹp mà?”. Nghe cô nói thế, Lam vẫn do dự, ngập ngừng, lo sợ liếc nhìn chúng tôi. Cô cầm tay Lam, kéo bạn đến gần nhóm bạn rồi nói: “Cô đã tìm cho người có thể giúp các em đây, cùng Lam vẽ báo tường nhé.”, vừa nói cô vừa đẩy Lam đang đứng sau lưng cô về phía chúng tôi: “ Nào giờ bắt đầu công việc luôn đi mai là hạn cuối rồi.”. Thực ra lúc đó tôi nghĩ chắc Lam không vẽ được đâu nhưng sau khi Lam được cô giáo động viên thì bạn ấy đã nói ra ý tưởng của mình một cách rụt rè. Ồ, sao chúng tôi không nghĩ ra nhỉ, ý tưởng của Lam quả thực rất sáng tạo, đơn giảm mà dễ làm. Lam nói xong ý tưởng, cả lũ trầm trồ bảo: “Sao bây giờ cậu mới nói vậy, không tham gia đóng góp ý kiến cho lớp hôm nọ à?”. Có ý tưởng mới rồi các bạn sôi nổi hẳn lên, bắt đầu vào công việc luôn. “Lam vẽ đẹp thật”, cả nhóm nhao nhao. Lúc đó người tô người vẽ. tất nhiên Lam là người vẽ chính, cười nói vui vẻ. Chúng tôi nói chuyện với Lam, nghe chuyện bạn ấy kể dưới quê phải làm lụng vất vả nhưng cũng rất vui, cả bọn chăm chú. Lâu lâu lớp trưởng lại trêu Lam vài câu khiến bạn ấy nở nụ cười nhẹ. Lúc ấy tôi phát hiện ra, Lam có nụ cười rất đẹp – một nụ cười hiền. Tôi quay sang bảo Lam: “Cậu nên cười nhiều hơn đấy Lam ạ!”. Đáp lại tôi là một nụ cười hiền nữa. Trong lúc làm báo tường, có chỗ chúng tôi và Lam không biết phải làm sao nhưng cô chủ nhiệm luôn ở bên cạnh, quan sát, gợi ý cho cả bọn và còn động viên nữa chứ. Cô như tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm ngọn lửa tri thức sáng tạo cho chúng tôi để chúng tôi hoàn thành công việc của mình. Chính lúc này đây, Lam và các bạn cùng nhau vẽ báo tường, cùng nhau cười đùa vui vẻ. Dường như giữa Lam và các bạn nữ lớp 7D đã tồn tại một thứ gì đó gọi là tình bạn. Khoảng cách giữa chúng tôi đã theo cơn mưa ngoài kia mà trôi đi mất. Còn các bạn nam đang tập kịch ngoài kia cũng chạy vào lớp hỏi: “ Mấy bà đã làm báo tường xong chưa thế, bọn tôi tập kịch xong rồi đấy”. Thằng Dũng bảo: “ Ai vẽ báo tường mà đẹp thế?”. Cả bọn con gái nhao nhao lên: “ Lam đấy, từ bây giờ ông đừng trêu Lam nữa, Lam đáng yêu thế này cơ mà.” Thằng Dũng ngạc nhiên ra mặt: “Thế á” rồi cười cợt chạy biến luôn. Chắc nó xấu hổ ý mà. Nói thật, bức vẽ của Lam rất đẹp, Lam vẽ cô chủ nhiệm cùng các thành viên lớp 7D đang cười vui vẻ với nhau. Cả bức tranh như đại diện cho tình cảm mới chớm nở của Lam với chúng tôi và chúng tôi với Lam, vì đó là thành quả cho sự cố gắng của tất cả thành viên lớp 7D yêu quý. Tất cả đã sẵn sàng cho lễ kỉ niệm ngày mai.

Báo tường của lớp được chọ treo trên bảng tin còn vở kịch của lớp cũng rất suôn sẻ. Còn một điều bất ngờ hơn nữa, cô giáo nói kịch của lớp được giải hai còn báo tường được bình chọn là báo tường đẹp nhất. Trong giờ sinh hoạt, khi nghe cô giáo nói vậy, cả lớp reo hò sung sướng. Cuối cùng chúng tôi  có điều bất ngờ dành cho Lam – cô bạn bé nhỏ lớp 7D. Dũng đứng trước cả lớp, trước cô giáo nói lời xin lỗi Lam vì đã cư xử không phải, nó còn mua một bộ sách giáo khoa mới để tặng cho Lam nữa. Cả lớp cũng vậy nhao nhao vỗ tay trước hành động của Dũng. Có một đứa hét lên: “Chúng ta là anh em!”. Đúng vậy, chúng tôi là anh em, là một tập thể đoàn kết. Nói xong, cả lớp cười phá lên rồi quay sang cô giáo hét to: “ Chúng em cảm ơn cô ạ”. Cô giáo của chúng tôi hiền từ đứng đó, mỉm cười nhẹ nhàng rồi dang rộng vòng tay ấm áp đón chúng tôi vào lòng. Cô luôn ở trong tâm trí chúng em...

     Lời kết:

Nhân ngày 20-11, ngày Nhà giáo Việt Nam, em xin chúc các thầy, các cô mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, thành công trong công việc và luôn đem đến cho chúng em những bài học hay. Cuối cùng em xin chân thành cảm ơn các thầy, các cô luôn tận tình dạy dỗ, chỉ bảo chúng em. Chúng em xin hứa luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức để không phụ công ơn của các thầy, các cô.

Tác giả: Phạm Thị Như Phương - 11 Toán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn



Liên kết website
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay5,223
  • Tháng hiện tại94,210
  • Tổng lượt truy cập6,308,767
logo
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 4, Phường Hòa Chung - Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Email: c3chuyen.caobang@moet.edu.vn - Điện thoại: 0263.957.292
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hà Tiến Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn www.thptchuyencaobang.edu.vn khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
hau hoc van removebg preview
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây