Lớp TOÁN ĐẶC BIỆT khóa đầu - Những dấu ấn thời mở trường

        Ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng trong những năm sáu mươi của thế kỉ trước đã ghi dấu ấn một sự kiện đặc biệt, đó là việc mở lớp toán đặc biệt vào cuối năm học 1965 - 1966 và năm học sau (1966 - 1967) thành lập Trường TOÁN ĐẶC BIỆT –khởi nguyên của Trường Phổ thông trung học Chuyên tỉnh Cao bằng.
        Đặc biệt vì rằng Cao bằng là tỉnh miền núi nghèo, sự nghiệp giáo dục chưa phát triển mà mạnh dạn mở trường vào những năm khó khăn nhất của công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thì thật đáng quý. Đó là thời kì: Những năm bom Mĩ trút lên mái nhà / những năm cây súng theo người đi xa” (thơ Trần Đăng Khoa). Cao bằng là hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam “Thóc không thiếu một cân / quân không thiếu một người, các cơ quan của tỉnh sơ tán sâu vào các vùng đồi núi để tránh máy bay Mĩ. Khó khăn như vậy mà tỉnh Cao Bằng vẫn mở được LỚP TÓAN ĐĂC BIỆT (tiếp sau là TRƯỜNG ĐẶC BIỆT) để đào tạo, bồi dưỡng những học sinh bậc Phổ thông Trung học (trước đây gọi là học sinh cấp 3) có năng lực học tập tốt, tạo nguồn cho việc đào tạo cán bộ có chất lượng cao để Xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như lời dạy và mong ước của Bác Hồ Kính yêu. Đây là sự kiện đặc biệt mà cũng là niềm tự hào vì tỉnh Cao Bằng được đứng trong tốp mở TRƯỜNG ĐẶC BIỆT. Không phải tôi là người trong cuộc, quá “yêu” trường mình, nói vống lên mà đó là một thực tế. Thực tế là lớp TOÁN ĐẶC BIỆT đầu tiên được mở vào năm học 1964 - 1965 tại trường Đại học tổng hợp Hà Nội (nay là trường đại học khoa học tự nhên). Ngay năm học sau (1965 - 1966), tỉnh Cao Bằng đã có lớp TOÁN ĐẶC BIỆT thế là quá nhanh, là đầu tiên (so với các tỉnh). Cũng có người lý giải cái sự “đầu tiên ấy là do người lãnh đạo Ty Giáo dục bấy giờ có con đang học lớp 8, cần “mở ngay lớp TOÁN ĐẶC BIỆT để đưa con mình vào học. Có thể có điều ấy, nhưng đó không phải là lý do chủ yếu, là tất cả mà chủ yếu là do tầm nhìn và trách nhiệm cao với sự nghiệp giáo dục mà tỉnh Cao Bằng, ngành giáo dục Cao Bằng “sớm mở” lớp TOÁN ĐẠC BIỆT. Nếu không có sự “sốt sắng” ấy, tôi và 13 bạn cùng khóa một sẽ chẳng bao giờ được gọi là học sinh trường TOÁN ĐẶC BIỆT vì rằng nếu quá cẩn thận, quá cầu toàn, chờ cho mọi sự chuẩn bị thật đầy đủ rồi mới mở (chẳng hạn vào năm học sau 1966 - 1967) thì chúng tôi đã “lỡ nhịp” và khóa một sẽ là khóa của các bạn khóa hai bây giờ! Nói điều này để thấy thêm một điều “đặc biệt” nữa của trường đặc biệt chúng ta, chứ lịch sử không bao giờ có “nếu” cả.
        Bây giờ, xin nói kỹ hơn về hai chữ ĐẶC BIỆT – Đặc biệt theo từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên – nhà xuất bản Giáo dục 2001 – có nghĩa là: khác hẳn, vượt trội hẳn lên.
        - Nghĩa thứ nhất: “Khác hẳn” – Đúng vậy, cũng là học sinh phổ thông (cấp 3) nhưng những học sinh TRƯỜNG ĐẶC BIỆT tập trung về ăn, ở, học tập tại trường (như là học sinh các trường chuyên nghiệp). Có tiền trợ cấp tháng 9,6 đồng (tiền ăn một tháng lúc đó là 15 đồng). Có chế độ tem, phiếu, sổ mua hàng như cán bộ nhà nước (điều này học sinh các trường chuyên nghiệp không được cấp đầy đủ như trường đặc biệt).
        - Nghĩa thứ hai: “Vượt trội hẳn lên”: Những học sinh thi đỗ vào TRƯỜNG ĐẶC BIỆT là những học sinh có năng lực học tập tốt, có kết quả học tập cao (tuy nhiên không phải tất cả những học sinh giỏi đều được tuyển vào trường và tất cả học sinh TRƯỜNG ĐẶC BIỆT đều giỏi! ở đâu cũng có ngoại lệ). Vượt trội hẳn lên còn ở chỗ chương trình học được bổ sung và nâng cao, bao gồm những phần “khó” trong sách giáo khoa bỏ thì TRƯỜNG ĐẶC BIỆT không bỏ và học thêm một giáo trình riêng do Bộ giáo dục soạn (những năm sau này mới có đầy đủ). Kiến thức và cường độ học tập cao hơn hẳn ở phổ thông: Học sáng, học chiều, học tối vì vào TRƯỜNG ĐẶC BIỆT chỉ biết ăn và học thì phải học nhiều là lẽ đương nhiên.
        Nói kỹ như thế để làm rõ thêm một số điều, chứ lúc bấy giờ thầy giáo, phụ huynh học sinh, cán bộ chỉ hiểu trường đặc biệt là… Trường đặc biệt! thế thôi.
        Cũng có người không hiểu hoặc lầm lẫn ở khâu nào đó mà gọi chúng tôi là học sinh lớp KẾ TOÁN ĐẶC BIỆT (chữ ghi trong sổ mua hàng phân phối). Lúc đó các hợp tác xã ở tỉnh ta đua nhau lên cấp cao, qui mô toàn xã, công tác kế toán rất nặng, phải có nhiều kế toán có trình độ cao mới đáp ứng nổi nhu cầu nên tỉnh phải mở cấp tốc các lớp kế toán đặc biệt. Một sự nhầm lẫn vui vui!
        Tôi nói hơi dài, dẫn dắt “bài bản” một chút như vậy để hiểu một cách khái quát, tổng thể về ngôi trường đặc biệt. Đó là những nhìn nhận đã có “độ lùi lịch sử” gần 50 năm, còn bây giờ tôi xin kể đôi điều về những ngày đầu, tôi cùng 13 bạn từ 5 trường phổ thông cấp 3 (thị xã Cao Bằng, Quảng Uyên, Hòa An, Trùng Khánh, Nguyên Bình) ra Hòa An học lớp TOÁN ĐẶC BIỆT khóa đầu.
        Năm học 1965 - 1966, tôi học ở trường cấp 3 Quảng Uyên (sơ tán trong hẻm núi xóm Tục Ngôn, xã Chí Thảo). Đầu học kì 2, sau tết Bính Ngọ, tôi và một số bạn được làm một bài thi toán (bây giờ không thể nhớ cụ thể). Tôi chỉ biết thi, không biết thi để làm gì nên thi xong là quên ngay, mãi đầu tháng 4 năm 1966 trường thông báo trúng tuyển vào lớp TOÁN ĐẶC BIỆT, ra tận Hòa An học. Lúc ấy tôi đã ở tuổi 17, 18, không còn “trẻ con” lắm! (thời đó đi học muộn) nên đã có thể quyết định đi hay không đi. Riêng tôi, tôi học toán khá chứ không giỏi, thích toán chưa đến độ “yêu toán, nên nhận được giấy báo tôi có một chút lưỡng lự nhưng thấy “ra tỉnh” học, thoát ly gia đình, được tự do bay nhảy nên tôi quyết định đi học.
Ngày chúng tôi ra Hòa An, năm học chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc. Tại sao dở dang như vậy? sao không chờ vào năm học mới?... lúc đó những câu hỏi đại loại như thế chúng tôi không nghĩ tới, bây giờ nghĩ lại cái sự “dở dang” có phần “vội vàng” ấy, chúng tôi tự lý giải đó là do sự “sốt sắng” của ngành Giáo dục Cao Bằng phải có ngay lớp TOÁN ĐẶC BIỆT cho dù điều kiện chuẩn bị chưa thật đầy đủ (điều này tôi đã nói ở phần trên).
        Chính sự  “sốt sắng” và chưa đầy đủ đó mà 14 học sinh khóa đầu chúng tôi (Quảng Uyên: 4, Trùng Khánh: 3, Hòa An: 2, Nguyên Bình: 2) ra Hòa An lúc đầu học nhờ ở trường cấp 3 Hòa An, ở nhờ nhà dân cho hết năm học. Khi ấy, xe ô tô từ huyện ra thị xã còn rất khó khăn, xe nhỏ, một hoặc hai ngày mới có một chuyến. Tôi, Nông Thế Hùng, Hoàng Kham, 3 người đi cùng một chuyến xe từ Quảng Uyên ra thị xã Cao Bằng (bạn Phạm Thị Chi đi sau). Ra đến thị xã, chúng tôi cuốc bộ 3 tiếng đồng hồ thì đến trường cấp 3 Hòa An, ở Khau Gạm (cách thị trấn Nước Hai hơn một cây số, bên vệ từ Nước Hai đi Nà Giàng). Chúng tôi vào trường, chỉ thấy vài lớp học đơn sơ, văn phòng nhà trường còn ở nhà dân. Người đầu tiên chúng tôi gặp là “bác nông dân”, thấp nguời, đầu hói, dáng điệu chậm rãi, khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ… chúng tôi đồng thanh: “chào bác ạ!” – về sau, giờ học sinh vật, “bác nông dân” đó lên giảng, chúng tôi mới biết đó là thầy Lê Tùy, quê ở Lam Sơn. Chúng tôi giật mình vì sợ thất thố, khi gặp “bác nông dân” ngày đầu tiên. Khi tôi “được nhận” 2 điểm (bậc 2/5), kiểm tra 15 phút thầy Tùy cho, bạn bè bảo: “Đáng đời nhé”. Ấy là các bạn ấy suy luận, thầy trù úm tôi, nhưng không phải thế. Đơn giản là là tôi không thuộc bài mà thôi!
        Từ trường Hòa An, chúng tôi được dẫn xuống ở một nhà dân cạnh trường (nhà bác Lư, đầu cầu Nà Coóc, phía tay phải, đi qua trường khoảng 300m, ngay chân dốc - nay nhà đã dỡ đi, chỉ còn đám ruộng). Chúng tôi ở nhà bác Lư, có bác Lễ làm cấp dưỡng, nấu cho chúng tôi những món ăn đủ lượng, đủ chất (thỉnh thoảng cũng được ăn ngon). Chúng tôi rất quý trọng Bá Lễ, vì Bá coi chúng tôi như con, như cháu “nuôi nấng” chúng tôi chu đáo, tận tình. Sau khi chúng tôi ra trường, đi đại học bá vẫn thuộc biên chế của Trường đặc biệt rồi về hưu. Bá về nghỉ năm nào, ở đâu? Mất năm nào? – chúng tôi không biết. Nay nhớ lại, chúng tôi thấy thật thiếu sót không tới thăm bá những năm bá tuổi già nhưng chúng tôi có một chút “an ủi” là chúng tôi luôn nhớ tới bá, nhớ công ơn Bá đã tận tình “nuôi nấng” chúng tôi.
        Người thầy dạy toán đầu tiên LỚP ĐẶC BIỆT là thầy Nguyễn Khắc Hùng, người Hà Nội, có dáng của một vận động viên thể thao, da trắng hồng, đeo kính cận rất dày. Thầy đang dạy ở trường cấp 3 Quảng Uyên thì được điều ra dạy lớp toán đặc biệt. Tiêu chuẩn căn bản thầy được chọn dạy lớp toán đặc biệt là năm học trước (năm học 1963 – 1964), thầy có một học sinh thi toán đạt giải nhất toàn tỉnh là anh Hoàng Quang Vinh – anh trai tôi. Tính thầy ít nói, rất có uy. Thầy giảng khúc triết, ngắn gọn và có nhiều đề toán hay thầy dịch từ sách toán Pháp, sách toán Nga. Kỷ niệm về người thầy đầu tiên - thầy Nguyễn Khắc Hùng là người thầy nghiêm khắc, ít cười, rất chăm lo cho học sinh.
        Về nơi học, lúc đầu, chúng tôi được học ghép với lớp 8 trường Hòa An, sau tách ra, học nhờ lớp học vỡ lòng ngay cạnh nhà ông Lư. Về chương trình học, mỗi trường ‘‘chạy’’ theo một kiểu, không đồng đều nên khi về trường đặc biệt, các thầy “dạy nốt’’ phần còn lại – có người đã học qua, có người chưa học đến nên có đôi chút trục trặc, nhưng sau khoảng 1 tuần dần dần cũng ‘‘khớp nhau’’ và kết thúc năm học lớp 8 ‘‘không có gì xảy ra’’ – chúng tôi được về nghỉ hè.
        Sau hơn một tháng cuối cùng của năm học 1965 - 1966 chúng tôi vừa kịp làm quen với nhau, làm quen môi trường học tập, ăn ở “đặc biệt”, chúng tôi đã chia tay về nghỉ hè, đến đầu tháng 9/1966 trở về trường “Lên lớp chín’’ với một số thay đổi. Một là, thầy Nguyễn Khắc Hùng đã chuyển trường (về sau, chúng tôi được biết thầy chuyển về dạy trường cấp 3 Nà Giàng, cách chỗ chúng tôi học khoảng 20 km với lý do sức khỏe thầy không bảo đảm). Mấy tháng sau chúng tôi mới có dịp gặp lại khi thầy trở lại thăm chúng tôi (riêng tôi sau này còn được nhiều dịp gặp lại thầy trong những lần kỷ niệm thành lập trường TOÁN ĐẶC BIỆT, trường phổ thông cấp 3 Quảng Uyên). thầy Nguyễn Khắc Hùng chuyển đi, thầy Nguyễn Văn Lễ đến thay. Thầy Lễ là người thầy chỉn chu “mọi nơi, mọi lúc’’ viết bảng và trình bày rất đẹp. Thầy giảng bài với “tốc độ’’ chậm, hay nhắc, nhấn lại, hợp với những bạn học sinh có học lực trung bình và khá còn những học sinh giỏi thì “không thích lắm’’.
        Thay đổi thứ hai là chúng tôi chuyển từ nhà ông Lư ở Nà Coóc vào sâu sau mấy quả đồi Khau Gạm. Tính theo chiều từ thị xã lên, vượt qua Khau Gạm khoảng 100m, rẽ tay phải, leo dốc, xuống dốc, theo con đường mòn nhỏ, ngoằn ngèo hơn một cây số đến một cái hủm, không sâu lắm, nhưng rộng, có mấy đám ruộng, cây cối xanh tươi. Các thầy gọi đó là Hõm sâu hay gọi lại là Hõm. Từ Hõm gắn liền với địa điểm đầu tiên của TRƯỜNG ĐẶC BIỆT. Với học sinh từ khóa một tới khóa bốn, Hõm để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm hoang dã pha chút huyền ảo. Khi ngồi viết những dòng này, tôi chợt nảy ra ý đi tìm nguyên nghĩa của từ “Hõm” từ Ngôn ngữ học! Dân địa phương gọi Hõm là Roỏng Sâu – Roỏng tiếng Tày chỉ một rạch đất, một khe đất trũng như lòng con thuyền. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, Hõm đúng như vậy. Còn chữ Sâu, trước đây chúng tôi cứ nghĩ là độ sâu, nhưng giờ nghĩ lại không phải thế! Chữ “Sâu” này ở đây là để chỉ cây Xau Xau – cây Xau Xau lá đỏ thường dùng để nhuộm xôi ngũ sắc trong lễ tảo mộ tháng ba âm lịch, nghĩ thế, trong đầu tôi chợt hiện về hình ảnh những cây Xau Xau mộc rất nhiều bên khe suối, đầu nhà ở cửa chúng tôi mà khi ấy chúng tôi không để ý. Có điều những cây Xau Xau ở đây, thấp nhỏ hơn những cây Xau Xau ở miền Đông chúng tôi. Vậy ra, Roỏng Sâu là Roỏng có nhiều cây Xau Xau – các thầy giáo người miền xuôi có lẽ không hiểu nghĩa tiếng Tày nên đọc chệch là Roỏng Sâu, hay “cải biên” thành Hõm Sâu hoặc Hõm Hồ (vì trong hõm có gia đình ông Hồ sinh sống). Ôi! Chỉ một “phát hiện” nhỏ thế thôi mà Roỏng Xau trở về trong tôi với những điều mới lạ mà gần gũi.
        Roỏng Xau là địa điểm chính thức đầu tiên của trường TOÁN ĐẶC BIỆT tỉnh Cao Bằng – nói theo ngôn ngữ lịch sử thì đó là nơi phát tích của Trường cấp 3 đặc biệt. Là nơi để lại nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm cho học sinh những khóa đầu (từ khóa một đến khóa bốn). Cơ sở vật chất ban đầu chỉ là một ngôi nhà gianh, vách đất, được dựng ngay chân đoạn dốc ở cuối con đường vào hõm, chiều dài khoảng 12 mét, rộng 5 mét. Chia làm 4 gian, nửa gian đầu tiên, phía trước là phòng ở của thầy giáo chủ nhiện (thầy giáo dạy toán), 2,5 gian tiếp theo là ký túc xá học sinh (10 người), kê hai dãy sạp tre, vầu để làm chỗ ngủ (ở giữa là lối đi). Ba bạn nữ và bá Lễ thì ở nhờ gian đầu hồi nhà ông Hồ, sau đó chuyển ra ở căn nhà nhỏ mới dựng dưới gốc mai, cách nhà ông Hồ khoảng 20m. Gian cuối cùng dành cho lớp học (một bàn giáo viên, một bảng và 4 bàn học sinh). Roỏng Xau ở khuất nẻo đồi, cây cối còn nhiều, ở đó chúng tôi chỉ thấy cảm giác vắng vẻ chứ không sợ. Vì ở xa khu cư dân nên chúng tôi ít đi chơi, chỉ có ngày chủ nhật, đi bộ từ trường ra tới Dã Hương, đầu chợ Nước Hai khoảng 4 cây số, ăn một bát phở “không người lái” (phở không thịt) hoặc đi xem phim buổi tối tận Bằng Hà (mấy tháng mới có một lần). Chúng tôi ăn, ngủ, học tập trong hõm theo thời gian biểu rất nghiêm ngặt (và tự giác). Thầy Lễ dạy toán lớp chúng tôi và một số giờ ở trường Hòa An. Các môn khác do các thầy giáo, cô giáo ở trường Hòa An vào dạy. Thầy Nguyễn Đăng Thìn dạy văn, thầy Hoàng Đoàn dạy vật lý, thầy Lê Tùy dạy sinh vật, cô Dương Thị Vân dạy môn Địa lý… ở lớp, tôi được giao nhiều việc thuộc mảng hậu cần: Quản lý bếp ăn, chấm cơm, quyết toán cuối tháng (cho cả lớp 8 mới tuyển). Đến năm lớp 10 thì thôi, để dành thời gian thi tốt nghiệp. Ngoài ra còn phụ trách việc mua hàng cho cả truờng, mỗi tháng 2 lần, mang tận sổ ra tận Đà Lạn (cách trường khoảng 9 cây số) mua hàng về, giao cho ban cán sự lớp để phân phối. Chưa hết, tôi còn được phân công đánh kẻng (báo giờ ăn, giờ học) và phụ trách văn nghệ (phổ biến các bài hát mới, tập các chương trình văn nghệ, tham gia biểu diễn với trường cấp 3 Hòa An…). Đảm nhiệm nhiều việc “vụn vặt” nên khá mất thời gian nhưng tôi vẫn cố gắng học để theo kịp các bạn trong lớp.
        Nhịp sống và học tập cứ âm thầm, lặng lẽ trôi qua theo dòng thời gian. Học trong hõm được một tháng thì chúng tôi được nghỉ mùa 2 tuần về nhà giúp gặt lúa (lệ nghỉ mùa này kéo dài tới đầu những năm bẩy mươi mới thôi). Nghỉ mùa về, chúng tôi được tin thầy Nguyễn Văn Lễ đã chuyển trường! Thầy dạy toán mới là thầy Chu Mạnh Vân. Dáng thầy cao, mũi thẳng, ít nói. Những buổi chiều cuối tuần thầy hay đứng trước cửa phòng nhìn về cõi xa xăm! Thầy Chu Mạnh Vân không phải là người thầy dạy toán đặc biệt đầu tiên nhưng là người thầy có thời gian gắn bó lâu dài với trường đặc biệt, có công xây dựng trường những ngày đầu, gắn bó, sâu xắc với học sinh. Những khóa đầu của trường toán đặc biệt đều ghi dấu ấn của một người thầy dạy toán mẫu mực. Chúng tôi yêu mến và kính trọng thầy.
        Học hết kỳ I lớp 9 - sau tết, khoảng tháng 3/1967, trường tuyển học sinh lớp 8 quá mới (chúng tôi thường gọi là khóa II) với gần 30 học sinh (gấp đôi khóa I), tôi còn nhớ có: Lê Kim Tiên (thị xã), Lãnh Thị Huyên (Bảo lạc), Mông Thị Miền (trùng khánh), Trần Dũng, Nông Dũng (Hà Quảng), Nông Trường (Thông Nông), Sầm Trường, Vũ Long (Hòa An), Khoảng Thị Kíu, Tô Hoàng Thám (Hạ lang)… Roỏng Xau trở nên “đông vui, náo nhiệt”, không còn vắng vẻ như xưa. Thêm hai ngôi nhà mới được dựng lên, một làm lớp học, một ký túc xá – công việc “hậu cần” của tôi nặng thêm. Trước chỉ phục vụ hơn 10 người, nay trên 50 người, mất rất nhiều thời gian, tôi nhiều lần xin thôi, nhưng mãi hết năm lớp 9 mới được “miễn nhiệm”. Quyết định thành lập trường TOÁN ĐẶC BIỆT được ký vào thời gian trước đó. Các thầy về trường đông dần: Thầy Trịnh Khắc Sùng, hiệu trưởng, thầy Đỗ Huy Quang (dạy văn), thầy Phạm Văn Trình (dạy Vật Lý), thầy Dương Trọng Giong (dạy Lịch Sử )… Văn phòng (cũng là nơi ở của các thầy cô giáo) là căn nhà cũ của ông Hồ nhượng lại (có sửa sang, cơi nới cho đẹp và rộng hơn).
        Chúng tôi là những học sinh khoá đầu không ai bảo ai, cùng cố gắng trong học tập, gương mẫu trong các phong trào thi đua để xứng đáng là bậc đàn anh. Đến năm học 1967 – 1968 tuyển lớp 8 mới (khoá III) có một số học sinh như Triệu Thế Châu (sau này là nhà thơ Triệu Lam Châu) quê Hoà An, Phạm Viết Thịnh, Phùng Quỳnh Hương, Vi Thu Thuỷ (Quảng Uyên), Nông Đình Tuân, … khóa III có số học sinh đông nhất nhưng tôi không nhớ được nhiều vì… bận học!
Càng đông càng vui. Gần hết năm học chúng tôi lao vào học để chuẩn bị thi tốt nghiệp. Rồi kỳ thi cũng qua, chúng tôi đều đạt điểm thi rất cao. Ngày ra trường, chúng tôi bịn rịn, nhớ nhung, thức suốt đêm để ghi lưu niệm cho nhau vào những quyển sổ, quyển vở đẹp nhất (ngày đó ghi lưu niệm là một nét đẹp tuổi học trò – không hiểu bây giờ còn ai giữ được những cuốn sổ lưu niệm nhiều kỷ niệm đó? Thật là của hiếm!). Cũng xin nói thêm rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm đó chúng tôi phải thi lại môn Lịch sử (vì đề thi có vấn đề!) – Hình như toàn quốc (Miền Bắc) phải thi lại - Thật là một trường hợp hy hữu.
        Thi tốt nghiệp xong, chúng tôi về nghỉ hè ở nhà, khoảng 2 tháng sau thì nhận được giấy gọi đi học Đại học (hồi đó chưa thi Đại học - đỗ tốt nghiệp là hầu như ai cũng được đi Đại học). Có 3 người được đi học nước ngoài (Nông Huy Đáo, Ngô Thị Phượng, Phạm Văn Hoà); 4 người đi học Sư phạm Toán (Phạm Thị Chi, Hoàng Kham, Nông Đình Đâu, Nông Thế Hùng); 1 người đi học Sư phạm Lý (Hoàng Dương Quý); 2 người đi học Đại học Tổng hợp (Huỳnh Ngọc Dung – Khoa Vật Lý; Nguyễn Cảnh Toàn – Khoa Toán); 2 người đi Đại học Bách khoa (Nông Văn Mến và Bùi Mạnh Kiên); 1 nguời đi học Đại học Mỏ - Địa chất (Nông Đức Tuấn). Còn Bế Kim Dư từ truờng Hòa An chuyển vào sau đó đi bộ đội.
Đó là một số cảm nhận riêng của tôi về những năm đầu thời mở TRUỜNG ĐẶC BIỆT. Suốt từ đó đến nay, gần 50 năm trôi qua, nhiều việc đã quên, nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng đó tôi vẫn luôn tự hào mình là một trong những học sinh đầu tiên của TRUỜNG TOÁN ĐẶC BIỆT tỉnh Cao Bằng và tôi luôn phấn đấu để xứng đáng với niềm tự hào đó. Tôi luôn nhớ về ngôi truờng xưa, ngôi truờng ở Roỏng Xau, nơi ghi dấu ấn những kỷ niệm đầu đời. Tôi nhớ con đuờng nhỏ ngoằn nghèo vắt qua sườn đồi tím ngắt hoa sim, hoa mua. Nhớ chiếc giếng nuớc nhỏ trong vắt duới cây nhót sai. Nhớ vuờn uơm cây bạch đàn phía truớc, cạnh giếng nuớc. Nhớ những đêm học bài bên ngọn đèn khuya. Nhớ những đêm tập văn nghệ. Nhớ thầy, nhớ bạn. Với tôi, dù năm tháng có qua đi, nhớ thương vẫn thế - Nhớ lắm – NGÔI TRUỜNG ĐẶC BIỆT thân yêu.
        Xin nói thêm một điều rất riêng: Nhiều người bạn sau này, những người đọc văn của tôi khi nghe tôi “khoe” là học sinh một trường TOÁN ĐẶC BIỆT đã tỏ ra tiếc vì Nhà nuớc bỏ tiền của để đào tạo nguời “làm toán” mà lại “làm văn” như thế quả là phí! Tôi thì tôi thấy không phí chút nào vì những kiến thức toán học (và Vật lý học) tôi thu nhận đuợc và nhất là Tư duy Toán học – Tư duy khoa học tự nhiên đã giúp tôi rất nhiều trong lĩnh vực văn chương. Tư duy khoa học chính xác, lô gích đã giúp cho những trang văn của tôi cũng chính xác và lô gích. Tư duy khoa học tự nhiên luôn dẫn dắt tôi trong suốt quá trình hoàn thành tác phẩm (Tuy nhiên không quá lệ thuộc để trở nên khô cứng, mà phải bay bổng, lãng mạn – nhưng đấy lại là chuyện khác). Tôi thấy, truờng hợp học toán – viết văn không quá hiếm. ở trường ta anh Triệu Lam Châu (khóa III) cũng đã trở thành Hội viên HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM – anh làm thơ, viết văn xuôi, dịch thuật và cả sáng tác nhạc nữa. Như thầy Chu Mạnh Vân “nghề toán” nhưng viết văn rất hay… Nhiều tờ báo phỏng vấn tôi nói chuyện này, tôi trả lời (hơi sách vở một chút) là: “Nghề nghiệp chọn tôi chứ không phải tôi chọn nghề”. “Mầm mống” văn chương đã có được trong tôi khi học toán đặc biệt: Năm học lớp 10, tôi  được đi thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh. Tốt nghiệp phổ thông, tôi “mơ” được đi học ngành y, nhưng lại có giấy gọi đi học toán (sau lại chuyển sang vật lý) – ra trường đi dạy học mười năm, loay hoay thế nào lại chuyển sang nghề báo (năm 1981 tôi là phóng viên đài phát thanh tỉnh Cao Bằng). Năm 1986 tôi thi vào trường Đại học viết văn Nguyễn Du khóa ba và tốt nghiệp năm 1989, từ đó tôi theo hẳn nghiệp văn (trừ giai đoạn 10 năm tôi “tạt ngang” làm kinh tế). Thế mạnh của tôi là viết PHÓNG SỰ - BÚT KÝ và lý luận phê bình, trong những lĩnh vực ấy, khoa học tự nhiên giúp tôi rất nhiều. Tôi cũng viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết “Mặt Trời Pác Bó” của tôi đoạt giải thưởng năm 2010. Vậy thôi, tôi không có ý khoe khoang và không có gì để khoe khoang, không có gì để hoang tưởng, mơ tưởng hão huyền. Tôi chỉ à người làm tròn vai trò của cuộc đời giao cho, thế là đã hạnh phúc lắm rồi!
        Cuối cùng tôi nói đôi lời về bút danh trong văn chương của tôi là Hoàng Quảng Uyên – cũng chẳng có gì là bí hiểm, điệu đàng. Lúc đầu viết văn tôi ký Hoàng Quang Uyên để tránh trùng tên huyện Quảng Uyên, nhưng khi vào trường viết văn bạn bè bảo: “Ông Uyên ạ! Cái tên Hoàng Quang Uyên của ông nghe cứ bình bình chán ngắt với ba dấu bằng, ông phải đổi là Hoàng Quảng Uyên thì nghe mới lên bổng xuống trầm, mới có “giai điệu” – văn mới hay được”. Tôi bảo: “ừ thì đổi” và văn viết khá lên thật! Thế là từ đó tôi giữ mãi bút danh này rồi thành tên gọi thay cho tên bố mẹ đặt cho: Hoàng Dương Quý. Hoàng Quảng Uyên – cái tên giữ lại nhiều kỷ niệm nơi tôi đã sinh ra: Huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nhưng tôi thích nhất nếu mọi người gọi tôi kèm cụm từ: Hoàng Quảng Uyên, Nhà Văn tốt nghiệp lớp Toán Đặc Biệt.  
        Đôi điều về lớp TOÁN ĐẶC BIỆT đầu tiên  nhớ gì ghi nấy – như là một chút tri ân, hồi cố về ngôi trường thân yêu – TRƯỜNG TOÁN ĐẶC BIỆT TỈNH CAO BẰNG – khởi nguyên của Trường phổ thông trung học Chuyên tỉnh Cao Bằng.
 
Cao Bằng, ngày 10 tháng 10 năm 2011
Hoàng Duơng Quý
(Học sinh khóa một)
 


Liên kết website
FANPAGE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay11,362
  • Tháng hiện tại299,945
  • Tổng lượt truy cập3,577,803
logo
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 4, Phường Hòa Chung - Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Email: c3chuyen.caobang@moet.edu.vn - Điện thoại: 0263.957.292
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hà Tiến Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn www.thptchuyencaobang.edu.vn khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
hau hoc van removebg preview
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây